Để anh yên tâm công tác

Cuối buổi lễ tổng kết năm học 2023-2024 của Trường Tiểu học Thăng Bình (Nông Cống, Thanh Hóa), chúng tôi bị thu hút bởi hình ảnh anh bộ đội đứng ngoài cổng trường đợi đón cô giáo Lô Thị Khuê. Qua giới thiệu, chúng tôi được biết anh là Thượng úy QNCN Phạm Đức Toàn, nhân viên doanh trại, Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Xưởng X265, Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), chồng của cô giáo Khuê. Để có được hạnh phúc ngày hôm nay, ít ai biết anh chị đã vì nhau, cố gắng không biết mệt mỏi.

Nhớ lại chuyện xưa, chị Khuê trải lòng: "Năm 2010, khi ấy tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Một buổi tối thấy có cuộc điện thoại lạ gọi đến, khi bấm nghe, tôi được biết đầu dây bên kia gọi nhầm số". Bẵng đi hơn một năm, khi chị Khuê đang ở cuối năm thứ hai đại học, vô tình họ quen nhau trên mạng xã hội, trò chuyện thấy tâm đầu ý hợp nên quyết định cho nhau số điện thoại để tiện liên hệ thì anh Toàn nhận ra số điện thoại mình đã từng gọi nhầm trước kia.

Có số điện thoại của nhau, câu chuyện của cả hai được nối dài hơn. Dù hai gia đình chỉ cách nhau 12km, anh ở Nông Cống, còn chị ở Như Thanh (Thanh Hóa), nhưng phải đến khi chị Khuê học năm thứ ba đại học, chị và anh mới biết mặt nhau. Dịp ấy là ngày nghỉ cuối tuần, vừa hẹn gặp nhau xong, trời trở mưa bão, nhưng vì giữ đúng lời hẹn nên anh Toàn vẫn quyết tâm đến gặp mặt.

 Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Phạm Đức Toàn và chị Lô Thị Khuê. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Phạm Đức Toàn và chị Lô Thị Khuê. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tình yêu đôi lứa cứ thế lớn dần. Tốt nghiệp ra trường, chị Khuê nhận quyết định lên công tác tại huyện biên giới Mường Lát. Anh Toàn cũng chuyển công tác từ Hòa Bình về Nghệ An. Thấy khoảng cách địa lý xa xôi nên chị chủ động nói lời chia tay. Ấy vậy mà chỉ sau một tháng không liên lạc, anh Toàn lại chủ động xin đơn vị nghỉ phép để lên trường chị, nói hết suy nghĩ, cảm xúc của mình, mong có cơ hội để cả hai cùng hàn gắn chuyện tình cảm.

Vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình, đầu năm 2014, anh chị nên duyên vợ chồng. Ngày cưới, chị xinh đẹp trong bộ trang phục của cô gái Thái được anh đón về làm dâu nhà binh. Cưới xong, chị trở lại trường ở chung với một đồng nghiệp trong khu tập thể. Vợ chồng trẻ cách nhau 500km, cứ hơn 3 tháng họ mới có điều kiện gặp nhau, vì thế mà chuyện con cái cũng có phần khó khăn. Biết hoàn cảnh của hai người, đơn vị đã tạo điều kiện cho anh Toàn kéo dài thời gian mỗi dịp được về nghỉ tranh thủ. Dịp nghỉ hè, lễ, chị lại ngược lên đơn vị thăm chồng để vợ chồng thêm gắn kết.

Thế rồi niềm vui cũng đến với gia đình anh chị. Năm 2015, con trai Phạm Đức Anh chào đời. Hết thời gian nghỉ thai sản, mẹ con lại đưa nhau lên miền biên giới công tác. Khi đó, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất 12 giờ mới đến được điểm trường; còn nếu vào mùa mưa, đường sạt lở thì khó xác định được thời gian. Thời tiết, khí hậu ở đây cũng khắc nghiệt nên con trai thường xuyên đau ốm, khóc ròng cả đêm. Bà nội, bà ngoại lên trông cháu cũng không chịu được khí hậu nơi đây, nên cả bà và cháu đều ốm, phải nhập viện. Mình chị vừa lo công việc ở trường, vừa chăm mẹ chồng, mẹ đẻ, chăm con nằm viện.

Chị nhớ lại khoảng thời gian khi cả bà nội, bà ngoại đều về, không họ hàng, người thân bên cạnh, có những đêm con ốm, mình chị bế con trên tay, trong lòng rối bời, chỉ mong sao trời nhanh sáng để kịp đưa con đi khám bệnh. Có những lúc phải nhờ đến sự hỗ trợ của bà con đồng bào, đồng nghiệp xung quanh. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, trong khi đồng lương của vợ chồng ít ỏi, nên có lúc chị cảm thấy nản lòng, nhưng nghĩ đến anh, chị lại hứa với lòng mình phải quyết tâm hơn nữa, không chùn bước. Năm 2016, chị lỡ kế hoạch, mang bầu cháu thứ hai. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng được sự ủng hộ, động viên của chồng nên chị quyết định gửi con gái lớn về quê nhờ bà ngoại chăm sóc.

Năm 2017, cháu thứ hai Phạm Thị Anh Thư chào đời. Lúc chị sinh, anh vì bận nhiệm vụ nên không về được, chỉ biết động viên vợ qua điện thoại. Vì đẻ khó, nằm trong phòng hồi sức, dù rất mệt nhưng nghe thấy tiếng chồng qua điện thoại, chị như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Năm 2018, chị xin chuyển công tác về gần nhà. Ngôi nhà của gia đình chồng chật chội, nên anh chị bàn nhau và quyết định “liều” vay mượn ngân hàng, họ hàng hai bên để xây tạm căn nhà cấp bốn.

Thời gian thấm thoát trôi, con trai anh chị năm nay đã sắp lên lớp 3, cô con gái cũng chuẩn bị vào lớp 2. Cuộc sống của anh chị dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhìn các con khỏe mạnh, khôn lớn và cảm nhận tình yêu vô bờ của anh dành cho gia đình, chị Khuê cảm thấy mình như được tiếp thêm nghị lực mạnh mẽ. Đó cũng là động lực tinh thần để nhiều năm liên tục, chị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, đạt danh hiệu giáo viên giỏi và làm tròn vai con dâu hiếu thảo để anh Toàn yên tâm công tác.

TRẦN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-anh-yen-tam-cong-tac-782112