Để bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong dịp Tết

Ngày nay, bên cạnh chiều hướng, biểu hiện tích cực, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị đạo đức, góp phần xây dựng đời sống xã hội thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn có những lệch chuẩn trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo cần phải có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp với đời sống văn hóa mới. Mới đây, ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Đây cũng là vấn đề cần thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Như chúng ta đã biết, tín ngưỡng, tôn giáo là một thiết chế giúp con người tu tâm, dưỡng tính, từ bỏ tham, sân, si để hướng thiện. Vấn đề quan tâm hiện nay là đã xuất hiện những hành vi lệch chuẩn, có một số người lợi dụng vào niềm tin về thánh thần, về các đấng siêu nhiên để mê hoặc người khác nhằm trục lợi.

Có một số nơi thờ tự tôn nghiêm nhưng lại có hoạt động biến tướng như bói toán, chữa bệnh bằng phép thuật, tranh giành dẫm đạp lên nhau để lấy bùa may... khiến tình hình an ninh trật xã hội trở nên phức tạp. Nguy hại hơn là các giá trị của tâm linh cũng bị biến tướng. Những biểu hiện trên đã làm suy giảm niềm tin của Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tôn giáo. Đây là biểu hiện của sự suy giảm đạo đức, văn hóa, lối sống xã hội, cần có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, là nhiệm vụ quan trọng trong chấn hưng văn hóa, xây dựng các hệ giá trị văn hóa mới.

Có một thực tế là khi đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nâng lên thì kéo theo nhu cầu về đời sống tinh thần xã hội đa dạng hơn. Trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, do một bộ phận không nhỏ người dân chưa được trang bị hiểu biết, những quy định, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo nên thường làm theo cảm tính, từ đó dẫn đến lệch lạc.

Bên cạnh đó, hệ thống chế tài của pháp luật chưa đầy đủ, chưa đề cập đến hoặc có điều chỉnh nhưng chưa sát với thực tiễn, chưa đủ tính răn đe nên xu hướng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi còn cơ hội tồn tại. Và cũng vì niềm tin đặt không đúng chỗ mà không ít người đã mất nhiều tiền của, công sức cho các hoạt động sai trái như gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ... mà hiệu quả thì không thấy đâu.

Để hướng đến việc đón tết cổ truyền và một mùa lễ hội an toàn, đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức tốt các hoạt động, có biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện lệch lạc, các hành vi trục lợi.

Các ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của Nhân dân, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp liên quan, không để xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, ban tổ chức các lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân không đốt vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo...

Có một điều ai cũng hiểu, rằng mọi phúc - họa ở đời đều là do chính con người tạo ra. Để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc thì mỗi một người phải nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động, sản xuất chứ không có một thế lực siêu nhiên, thánh thần nào có thể mang lại cho mình. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng, chắc chắn những biểu hiện tiêu cực trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sẽ giảm đi đáng kể; những hành vi lệch lạc, những biểu hiện trục lợi sẽ được ngăn chặn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, văn minh.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/de-bao-dam-nep-song-van-minh-an-toan-tiet-kiem-trong-dip-tet/183310.htm