Để Bộ Quy tắc ứng xử tiếp tục phát huy hiệu quả

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện hai Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ cương hành chính cũng như nâng cao văn hóa ứng xử và lối sống của người dân Thủ đô. Điều này góp phần lan tỏa rộng khắp, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã tiến hành kiểm tra các địa phương của Hà Nội.

Theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố khảo sát thực tế tại đình làng Vạn Phúc và Trường Tiểu học Vạn Bảo, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử của địa phương được thực hện khá bài bản và nghiêm túc, khi hai Bộ Quy tắc ứng xử được niêm yết đầy đủ, ở vị trí dễ quan sát, đảm bảo mọi người có thể nhìn thấy và nắm bắt các nội dung.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã ghi nhận nhiều điểm tích cực tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng trong việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã ghi nhận nhiều điểm tích cực tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng trong việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, quận Hà Đông đã xác định rõ tầm quan trọng của việc duy trì cam kết thực hiện các tiêu chí của hai Bộ Quy tắc ứng xử một cách thường xuyên, liên tục để tạo thành nền nếp và đạt hiệu quả cao. Để triển khai hiệu quả hai Bộ Quy tắc ứng xử này, Ủy ban nhân dân quận Hà Đông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo.

Cụ thể, tất cả 17 phường thuộc quận đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả hai Bộ Quy tắc ứng xử này. Các phường đã đưa ra các nội dung, nhiệm vụ, tiêu chí thi đua rõ ràng, phù hợp để khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân tự nguyện tham gia.

Thường trực Quận ủy và Ủy ban nhân dân quận Hà Đông cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Quy tắc ứng xử được đưa vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi đoàn, họp cơ quan, và các đơn vị đã ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử.

“Từ năm 2019 đến nay, các phường vẫn duy trì tốt công tác cam kết, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như nội quy, quy chế của tổ dân phố. Ủy ban nhân dân các phường đã chỉ đạo các tổ dân phố thực hiện niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, khu chung cư, di tích, ở các vị trí dễ nhìn thấy.Quận cũng đã triển khai mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng” tại 100% các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân các phường”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết.

Bên cạnh Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thành phố Hà Nội, các địa phương đang tích cực triển khai các mô hình mới nhằm thực hiện quy tắc ứng xử tại các địa điểm công cộng, đặc biệt chú trọng đến các chợ và di tích lịch sử. Những nỗ lực này nhằm hình thành chuẩn mực văn hóa cho người dân và tiểu thương, góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tại quận Hai Bà Trưng, Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố đã ghi nhận nhiều điểm tích cực. Ví như chợ Hôm, một trong những chợ lớn của quận Hai Bà Trưng, Bộ Quy tắc ứng xử được niêm yết rõ ràng ngay tại cổng ra vào. Theo ghi nhận của phóng viên, các hộ kinh doanh cũng treo Bộ Quy tắc ứng xử ở vị trí dễ quan sát. Ngoài ra, còn có hệ thống băng rôn tuyên truyền về xử lý nghiêm các vi phạm an ninh và an toàn thực phẩm. Khu vực trông giữ xe được sắp xếp gọn gàng, có niêm yết giá công khai, và nhân viên đeo thẻ đầy đủ.

Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh cho biết, Ủy ban nhân dân quận đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện quy tắc ứng xử tại các chợ như: Tổ chức tập huấn cho Ban Quản lý các chợ về nội dung quy tắc ứng xử; sử dụng hệ thống phát thanh tại chợ để tuyên truyền về Bộ Quy tắc ứng xử; đưa nội dung quy tắc ứng xử vào nội quy chợ… Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cũng đã vận động hội viên thực hiện văn hóa ứng xử văn minh thương mại, gắn với 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang.

Song song với đó, đối với các di tích lịch sử, quận Hai Bà Trưng đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Cụ thể, quận đã triển khai dự án “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích”, bao gồm số hóa tài liệu, số hóa 3D hiện vật và không gian cảnh quan, xây dựng phần mềm quản lý và chia sẻ dữ liệu; ra mắt Website “360 độ di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”; Đoàn Thanh niên quận triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử” giai đoạn 2021 - 2025; tạo lập mã QR cho 26 điểm di tích lịch sử trên địa bàn quận.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã ghi nhận và đánh giá cao cách làm hay, sáng tạo tại các địa phương. Bà Nguyễn Thị Việt Hà cũng khuyến nghị các quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, và thường xuyên đôn đốc việc thực hiện Quy tắc ứng xử, đặc biệt là triển khai những mô hình mới.

Có thể nói, những nỗ lực của các địa phương đã đưa hai Bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống hàng ngày của cán bộ, người dân, lan tỏa rộng khắp, góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-bo-quy-tac-ung-xu-tiep-tuc-phat-huy-hieu-qua-174896.html