'Đế chế' Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 1: Đông Nam Á vượt qua thế nào?

Chênh lệch lớn về thuế suất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho 'kỹ thuật áp thuế', nghĩa là sắp xếp lại chuỗi cung ứng với mục đích duy nhất là đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất thấp hơn.

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, bang Michigan ngày 20/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, bang Michigan ngày 20/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Nhận định về quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Thái Lan trong tương lai khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan tuyên bố rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có khả năng leo thang dưới thời ông Donald Trump, sẽ chỉ thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Thái Lan và Mỹ.

Theo tờ Economist, ông Pichai không phải người duy nhất ở

Đông Nam Á

lạc quan về triển vọng thương mại. Ngay cả đề xuất của ông Trump về việc áp thuế 20% trên diện rộng kết hợp với mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn có thể khiến Đông Nam Á trở thành bên hưởng lợi ròng. Chênh lệch lớn về thuế suất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho "kỹ thuật áp thuế", nghĩa là sắp xếp lại chuỗi cung ứng với mục đích duy nhất là đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất thấp hơn, không phải mức thuế áp cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, quan điểm này là quá lạc quan. Sẽ xảy ra điều gì nếu Mỹ, với mong muốn tách chip của nước này khỏi các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu sang các quốc gia như Malaysia, làm chậm lại sự bùng nổ các trung tâm dữ liệu của nước này?

Tuy nhiên, Đông Nam Á không hoàn toàn phụ thuộc vào các cường quốc trên. Khu vực này có một mạng lưới dày đặc các hiệp định thương mại tự do song phương. Hứa hẹn hơn nữa là hai phần chính của cơ sở hạ tầng thương mại đa phương độc lập với Mỹ. Một là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thỏa thuận cắt giảm thuế quan liên kết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Đông Á. Hai là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận tiếp nối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã từ bỏ dưới thời chính quyền đầu tiên của ông Trump.

Về lý thuyết, những thỏa thuận này cung cấp các giải pháp thay thế cho các thể chế thương mại do Mỹ dẫn dắt như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và sẽ thúc đẩy thương mại nội khối châu Á, vốn là một biện pháp phòng ngừa chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.

Tiếp theo: “Đế chế” Donald Trump 2.0 và những ảnh hưởng - Bài 2: Viễn cảnh u ám tại châu Âu

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-che-donald-trump-2-0-va-nhung-anh-huong-bai-1-dong-nam-a-vuot-qua-the-nao/354336.html