Để công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động bền vững

Do nhiều nguyên nhân, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, dẫn đến chất lượng nguồn nước cung cấp không đảm bảo, lượng nước rò rỉ, hao hụt lớn, thậm chí nhiều công trình dừng hoạt động.

Nằm ở vùng sâu của huyện Bắc Hà, xã Cốc Lầu có 7 thôn, hơn 600 hộ. Để có đủ nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân, xã được đầu tư xây dựng 11 công trình cấp nước tập trung tại các thôn. Thế nhưng đến nay, chỉ còn 5 công trình hoạt động tốt, số còn lại đa phần không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng nguồn nước ít, nhiều hộ phải tự tìm kiếm các nguồn nước khác để sử dụng hằng ngày.

Gia đình chị Sùng Thị Sung ở gần công trình cấp nước thôn Khe Thượng - Làng Mới. Thế nhưng, chiếc bể lớn được xây dựng để trữ nước từ công trình cấp nước sinh hoạt của thôn đã từ lâu không có nước, gia đình chị phải mua ống nhựa, dẫn nước từ khe núi cách đó khá xa về sử dụng. “Ngày trước, bể có nước thì sử dụng rất tiện, nhưng lâu rồi nước không được dẫn về, bể bỏ không, chẳng ai trông coi, cũng không thấy ai sửa chữa. Người dân chúng tôi phải tự đi dẫn nước về dùng” - chị Sung nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau khi được đầu tư xây dựng, nghiệm thu được giao cho chính quyền cấp xã quản lý, vận hành, sau đó thường được giao cho tổ quản lý thủy nông của thôn thực hiện việc duy tu, sửa chữa, thu tiền sử dụng nước (nếu có). Thế nhưng, theo đánh giá của chính quyền xã Cốc Lầu thì địa phương này có dân cư phân bố thưa, không tập trung. Chính vì vậy, công tác quản lý cộng đồng tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Toàn tỉnh hiện có 825 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với khoảng 36 nghìn hộ đang sử dụng. Lào Cai đang giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước tập trung nông thôn cho 3 chủ thể quản lý, là UBND xã, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong tổng số 825 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư, hiện chỉ còn hơn 200 công trình hoạt động hiệu quả. Cũng giống như tại xã Cốc Lầu, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả hoặc kém bền vững. Nguyên nhân là do một số công trình đã sử dụng lâu năm, nay xuống cấp hoặc bị mưa lũ phá hỏng, các công trình không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, dẫn tới không thể cấp nước theo đúng kỳ vọng. Tỉnh đã có quy định mức thu tiền sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn để có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và trả lương cho những người quản lý, vận hành các công trình nhưng trên thực tế, việc thực hiện quy định này rất khó khăn.

Cơ quan quản lý đã và đang phối hợp với các địa phương rà soát, lập hồ sơ thanh lý những công trình cấp nước tập trung không hoạt động, đồng thời tham mưu cho tỉnh cân đối bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến lĩnh vực cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Cùng với đó, các địa phương và cơ quan hữu quan vận động xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung đang xuống cấp; có lộ trình nâng cấp hệ thống, thiết bị xử lý lọc khử khuẩn với nước sinh hoạt để đạt chất lượng nước sạch...

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát toàn bộ công trình cấp nước sinh hoạt. Chúng tôi đã triển khai đến các huyện để rà soát, đánh giá hiện trạng từng công trình, qua đó đề xuất phương án khắc phục những công trình có thể khắc phục được, những nơi người dân có nhu cầu sử dụng nước thực sự; tham mưu phương án sửa chữa cũng như phương án quản lý sau khi các công trình được khôi phục.

Cũng theo ông Ngọc, thời gian vừa qua, việc quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều bất cập, thiếu tính bền vững. Đó là, người dân có nhu cầu sử dụng nước, Nhà nước đầu tư công trình cấp nước nhưng sau khi đầu tư thì người dân không dùng nước từ công trình vì tập quán sử dụng nước miễn phí. Nhiều hộ tự mua ống dẫn nước từ nguồn về sử dụng, dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư cũng như tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu nguồn nước không hợp vệ sinh. Do đó, bên cạnh công tác nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư, ngành nông nghiệp xác định tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như ý thức cộng đồng trong việc sử dụng, bảo vệ các công trình cấp nước.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/de-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-nong-thon-hoat-dong-ben-vung-post388827.html