Để đáp ứng nhu cầu nguồn giống cây trồng
Để đáp ứng nhu cầu nguồn giống cây trồng chủ lực chất lượng cao, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cần có những giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại, nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả việc cơ cấu lại sản xuất trên các vùng nông nghiệp tỉnh.
• MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CÁC CÂY TRỒNG CHỦ LỰC
Theo định hướng phát triển sản xuất cây trồng chủ lực giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Lâm Đồng mở rộng diện tích trồng rau khoảng 3.377 ha so với năm 2021, nâng tổng diện tích lên 76.890 ha, đạt sản lượng 2,8 triệu tấn. Trong đó, nhóm rau ăn lá 37.117 ha; nhóm rau ăn quả 17.417 ha; nhóm rau ăn củ 16.062 ha và rau các loại khác 6.300 ha. Tiếp theo với diện tích cây hoa các loại đến năm 2025 gieo trồng 11.300 ha, tăng 2.350 ha so với 2021, sản lượng khoảng 4,1 tỷ cành. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trồng 500 triệu chậu hoa cao cấp với các giống cẩm tú cầu, tulip, hoa phong lan, lan hồ điệp, vũ nữ, thu hải đường …, tăng 200 triệu chậu so với năm 2021, tập trung tại địa bàn thành phố Đà Lạt; các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm.
Với cây công nghiệp lâu năm như cà phê chuyển đổi khoảng 3.820 ha ở các vùng khó khăn về nước tưới để chuyển sang trồng xen các loại cây ăn quả. Đến năm 2025, ổn định diện tích cà phê khoảng 169.000 ha, sản lượng 570.000 tấn gồm: 12.000 ha cà phê chè và 157.000 ha cà phê vối, sản lượng lần lượt 40.500 tấn và 529.500 tấn. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch tái canh 29.365 ha cà phê giai đoạn 2022-2025, trong đó, tái canh cà phê chè 535 ha; tái canh cà phê vối 11.645 ha và ghép cải tạo cà phê vối 17.185 ha. Cùng thời gian đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đổng ổn định diện tích 5.000 ha chè chất lượng cao, 4.500 ha chè cành cao sản và 1.800 ha chè hạt, tổng sản lượng chè 171.700 tấn. Kế hoạch chuyển đổi 600 ha chè hạt sang 500 ha chè cành cao sản và 100 ha chè chất lượng cao. Cây điều chuyển đổi 1.428 ha già cỗi, năng suất thấp chuyển sang cây ăn quả; đến năm 2025, ổn định diện tích 21.600 ha với sản lượng 26.750 tấn. Tính chung cả giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Lâm Đồng trồng mới, tái canh với khoảng 20-40 ha điều /năm tại ở các huyện Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên…
So với thực trạng sản xuất giống điều năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống, hàng năm, cung cấp cho 221.000 cây, đảm bảo nguồn giống trồng tái canh trên 1.200 -1.400 ha/năm. Tương tự với 4 cơ sở công bố tiêu chuẩn hàng năm sản xuất 440.000 cây giống chè chất lượng cao, đáp ứng phục vụ chuyển đổi và trồng mới 170 ha. Với cây cà phê tái canh hàng năm từ 6.200 - 6.800 ha, so với năng lực của 67 cơ sở sản xuất nguồn giống 7.500.000 cây cơ bản đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đổng phát triển thêm khoảng 1.000 ha dâu tằm, nâng diện tích đạt 10.500 ha, sản lượng đạt 250.000 tấn. Như vậy, lượng giống dâu tằm cần 32 triệu hom cho toàn giai đoạn 2022-2025, được chủ động nguồn cung ứng từ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã công bố tiêu chuẩn gần 17 triệu cây giống/năm…
• THUÊ CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI TƯ VẤN, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GIỐNG
“Hàng năm, tổng nhu cầu giống rau các loại trên địa bàn Lâm Đồng từ 4,4 - 4,5 tỷ cây và 6.400-6.500 kg hạt, bằng tỷ lệ khoảng 85% diện tích gieo trồng.; tổng nhu cầu giống hoa từ 2,1-2,5 tỷ cây các loại. Mặc dù các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống hoa trên địa bàn có khả năng nhân giống phục vụ sản xuất, nhưng với xu thế của người tiêu dùng đòi hỏi công tác sản xuất giống phải nhập khẩu, mua bản quyền các giống mới. Định hướng đến năm 2025, nhu cầu sản xuất hoa giống mới nhập nội ước đạt trên 3.000 ha gieo trồng, chiếm 26,5% tổng diện tích hoa; tỷ lệ diện tích hoa từ các giống mới có bản quyền đạt 35-40%. Bởi vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống hoa thông qua nhập khẩu, mua bản quyền giống giai đoạn 2022-2025…”, theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
Cụ thể, mục tiêu giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Lâm Đồng với nhu cầu sử dụng nguồn giống đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, đúng tiêu chuẩn, chất lượng để trồng mới và tái canh 80% diện tích cà phê, điều; 70% diện tích cây ăn quả và 70 - 80% diện tích sản xuất rau, hoa các loại. Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, các giải pháp triển khai đồng bộ để đạt các mục tiêu này cần nhập nội giống hoa có bản quyền để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết và gắn với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; khảo nghiệm đánh giá giá trị canh tác cây trồng và thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, ưu tiên hoàn thiện công nghệ sản xuất các giống lan hồ điệp, lan vũ nữ để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, xây dựng 55 vườn cây đầu dòng cà phê, chè, bơ, sầu riêng, chuối, điều, mắc ca, dâu tằm, mít, chanh dây và các cây công nghiệp, cây ăn quả triển vọng để cung cấp vật liệu nhân giống với năng lực 66.826.000 mầm chồi, hom giống/năm, tương ứng chuyển đổi cây trồng trên 15.400 ha. Ngoài ra, còn bình tuyển 45 cây đầu dòng sầu riêng, bơ, cà phê, điều, hồng ăn quả và các cây trồng triển vọng khác để cung cấp 66.200 mầm chồi/năm…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/de-dap-ung-nhu-cau-nguon-giong-cay-trong-3107072/