Để di sản không bị quá tải
Bảo tồn di sản và khai thác phát triển du lịch có mối liên kết chặt chẽ. Di sản đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, ở chiều ngược lại du lịch là nguồn lực để bảo tồn và tận dụng giá trị của di sản. Đạt được sự cân bằng và hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển du lịch là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững.
Tính đến nay, cả nước có hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa. 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Về cơ bản, hệ thống các di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Ở lĩnh vực phi vật thể, cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố được kiểm kê, khẳng định sự đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Hiện nay, nước ta có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và 265 bảo vật quốc gia.
Với kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa, vật thể và phi vật thể đồ sộ ấy, du lịch chính là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Việt Nam tới công chúng cả nước, bạn bè quốc tế.
Ngay ở Hà Nội, những năm qua, các giá trị di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Ngành du lịch Thủ đô đã tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với di sản văn hóa như múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh; sản phẩm du lịch đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long; sản phẩm du lịch trải nghiệm ứng dụng công nghệ Mapping, 3D, ánh sáng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Hay như ở Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, theo thống kê, năm 2022 đã có hơn 1,5 triệu lượt khách đến Hội An, đạt 384% kế hoạch và bằng 939% so với năm trước, trong đó có 614 nghìn lượt khách quốc tế.
Trước thời điểm dịch Covid-19, năm 2019, các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng.
Có thể thấy, mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa với ngành du lịch là một mối liên kết quan trọng. Khi được quản lý và sử dụng một cách đúng đắn, di sản có thể trở thành một nguồn tài nguyên quý giá, mang lại lợi ích kinh tế bền vững và lâu dài cho cả ngành du lịch và xã hội nói chung.
Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) Nguyễn Đức Khương nhận định, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển nếu như tìm cách đưa ra được những giải pháp để những cộng đồng địa phương, cộng đồng dân cư có thể hiểu rõ được giá trị văn hóa và di sản; tự chủ trong đóng góp ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển văn hóa, di sản ở từng địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Không ít trường hợp đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, xem nhẹ công tác bảo tồn, chỉ cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt...
Một số chuyên gia văn hóa chỉ ra rằng có khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm cho di sản to đẹp hơn, nổi tiếng hơn để thu hút khách. Nhiều địa phương đua nhau làm mới di tích. Điển hình như chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích” bằng những nguyên vật liệu, cấu kiện mới, thậm chí đập đi xây mới hoàn toàn nhà Tổ và gác Khánh. Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như: Lăng Ngô Quyền (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017)… Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng, khai thác cạn kiệt di sản không tính đến đặc điểm, tính chất, tuổi thọ của di sản.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, cần phải đánh giá sức tải của di sản để có quy hoạch, định hướng phát triển một cách hài hòa, cân bằng với nội tại của di sản; không thể phát triển một cách thương mại quá mức, phát triển tự phát mà phải có sự cân nhắc, đặc biệt trên nguyên tắc tôn trọng di sản để làm sao sức tải của di sản văn hóa đủ để chúng ta phát triển một cách bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công - tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản… từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như cơ hội để người dân nhận thức rõ hơn về văn hóa, di sản, ứng phó tốt hơn với những thay đổi sinh kế, để có thể khai thác hiệu quả, hợp lý các giá trị di sản thành hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-di-san-khong-bi-qua-tai-5726309.html