Để di sản trở thành nguồn lực phát triển

Để di sản văn hóa (DSVH) thực sự trở thành nguồn lực, vừa phát huy giá trị, vừa đóng góp vào phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, theo các nhà nghiên cứu, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, tạo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH.

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương.

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị - Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” do Cục DSVH (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hiện cả nước có 203 bảo tàng, gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm. Theo Cục trưởng Cục DSVH Lê Thị Thu Hiền, DSVH đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, bà Hiền cho rằng, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Trong đó, nhận thức xã hội về DSVH cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục DSVH cho rằng, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đang nghiêng nhiều về phát triển nhằm đáp ứng những lợi ích trước mắt hơn là bảo tồn di sản cho những mục đích phát triển lâu dài, bền vững. Ở một số nơi, phát triển thiếu sự kiểm soát, không quan tâm đến bảo vệ di tích dẫn đến việc xâm phạm; một số nơi không khảo sát di tích trước khi triển khai dự án xây dựng và giám sát trong quá trình thi công công trình để đề xuất những giải pháp thích hợp khi phát hiện di tích nên đã hủy hoại không ít di tích, chỉ có số ít di tích được phát hiện, cứu vãn theo lối “chữa cháy” nhằm mục đích phục vụ xây dựng, phát triển...

“Ngoài ra, một số địa phương khi có kinh phí đã đầu tư tu bổ hàng loạt di tích trong tình trạng thiếu đội ngũ những người làm dự án có đủ chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, thợ thi công có tay nghề, kinh nghiệm tu bổ di tích nên một số dự án không đáp ứng yêu cầu dẫn đến di tích bị làm mới, to đẹp nhưng không giữ được yếu tố gốc” - ông Hùng cho hay, đồng thời chỉ ra những bất cập như mỗi nơi có những mô hình quản lý di tích khác nhau, đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu tại các đơn vị quản lý di tích ở các địa phương vẫn còn mỏng và không được sử dụng đúng các vị trí cần chuyên môn cao. Việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ kế cận còn chưa được liên tục dẫn đến hiện tượng thiếu hụt đội ngũ cán bộ, nhân viên kế cận.

Để DSVH thực sự trở thành nguồn lực, vừa phát huy giá trị, vừa đóng góp vào phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, theo các nhà nghiên cứu, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, tạo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH.

Theo ông Hùng, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước và cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di sản; hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý di tích từ trung ương đến cơ sở, từng di tích phù hợp với quy mô, loại hình, đặc thù của mỗi di tích ở từng địa phương. Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động quản lý di tích đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0...

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia cho rằng, cần tiếp tục huy động được các nguồn lực phong phú, thúc đẩy mô hình hợp tác công tư để di sản có chỗ đứng trong đời sống xã hội, mang sinh kế cho cộng đồng, giúp cộng đồng cộng sinh với di sản.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia cho rằng, song song với đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cần nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng để bảo tồn DSVH tại cộng đồng.

Hồng Gấm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-di-san-tro-thanh-nguon-luc-phat-trien-10296585.html