Để doanh nghiệp được kinh doanh ổn định trên một nền tảng pháp luật

Tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật kinh doanh, giám sát chặt chẽ việc xây dựng và thực hành chính sách là hai trong số nhiều giải pháp được các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp khuyến nghị để góp phần giúp các loại hình doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng trên một nền tảng pháp luật.

“Dòng chảy pháp luật kinh doanh vẫn bị tắc nghẽn ở nhiều thời điểm” là thông điệp được các cơ quan nghiên cứu kinh tế và tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhắc tới nhiều lần những năm gần đây. Theo đó, các quy định pháp luật chồng chéo, thường xuyên thay đổi khiến không ít doanh nghiệp phát sinh tâm lý tâm lý chờ đợi, dẫn đến sự đình trệ của nhiều kế hoạch đầu tư – kinh doanh.

Với năm 2022, giai đoạn nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ áp lực lạm phát và rủi ro địa – chính trị quốc tế, thì cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những cú “phanh gấp” về chính sách quản lý.

Không ít doanh nghiệp khó khăn phải tạm dừng kinh doanh vì chính sách pháp luật thiếu ổn định. Ảnh minh họa: TL

Không ít doanh nghiệp khó khăn phải tạm dừng kinh doanh vì chính sách pháp luật thiếu ổn định. Ảnh minh họa: TL

Gian nan vì chính sách “phanh gấp”

Thực trạng này được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng một số đại diện của tổ chức này nêu tại các hội nghị diễn ra gần đây.

So sánh hình ảnh các doanh nghiệp lớn với những con tàu lớn, ông Công cho rằng họ không thể “phanh gấp, rẽ phải, rẽ trái” ngay được, mà cần môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.

Điển hình của việc “phanh gấp” chính sách, theo ông Công và một số đại diện VCCI, thể hiện qua sự việc 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) lần lượt bỏ cọc.

Theo đó, những vấn đề liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đã được đặt ra sau sự việc. Cơ quan quản lý cũng tiến hành công bố lấy ý kiến với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã bổ sung các điều kiện có tính ngặt nghèo hơn với các tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Chẳng hạn, khoản tiền đặt trước tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; yêu cầu kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước, cơ quan quản lý bổ sung quy định mới theo hướng phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Với trường hợp tự ý hủy kết quả trúng đấu giá thì ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, các quy định trên đều xung đột với pháp luật về đấu giá, đầu tư, dân sự. Quan trọng hơn, việc đặt ra điều kiện tham gia đấu giá quá cao sẽ khiến rất ít nhà đầu tư có thể đáp ứng điều kiện và sẽ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của phương thức lựa chọn nhà đầu tư này.

Trước thực tế trên, không ít doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến phản đối tại thời điểm dự thảo Nghị định được lấy ý kiến. Kết quả, tại bản dự thảo thẩm định Nghị định vào tháng 7-2022, cơ quan quản lý đã bãi bỏ các quy định trên, nhưng lại thay thế các điều kiện mới có khá nhiều ràng buộc như người tham gia đấu giá “không được liên doanh, liên kết tham gia đấu giá”, “phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm”.

Những điều này, theo VCCI, là rào cản không thể nhỏ cho nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đấu giá.

Tương tự, là trường hợp xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022 sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm chấn chỉnh hoạt động phát hành trên thị trường này.

Nhưng chính sách mới có hiệu lực khoảng 3 tháng, Bộ Tài chính lại kiến nghị sửa đổi và trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 với quy định theo hướng hoãn thời gian thực hiện 1 năm với yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu và quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn thanh khoản vay hoặc tài sản khác trong bối cảnh doanh nghiệp gần như không thể huy động vốn qua kênh này.

Đánh giá sự thay đổi này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng tình hình thị trường có sự thay đổi đáng kể so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định số 65/2022 là yếu tố để khẳng định việc ban hành Nghị định 08/2023 là hết sức cần thiết, cho thấy những điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý trong tình thế cấp bách để “gỡ khó” cho thị trường TPDN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, việc liên tục ban hành các văn bản điều chỉnh thị trường trái phiếu cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước còn lúng túng trong việc dự báo tình hình và chưa có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thị trường trái phiếu, từ hướng mở rộng điều kiện phát hành sau đó lại thắt chặt và dẫn tới thị trường bị tắc, sau đó lại mở ra.

“Điều đó thể hiện sự không nhất quán và chưa dự báo tốt thị trường”, ông Hà đánh giá.

Tổng kết, ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Ban Pháp chế của VCCI, cho rằng khi gặp sự việc tiêu cực tác động đến thị trường, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý là “siết chặt” với các chủ thể kinh doanh và hoạt động kinh doanh, trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ càng của các biện pháp này đối với thị trường.

“Hậu quả của các chính sách này đôi khi còn làm gia tăng thêm sự khó khăn của môi trường kinh doanh, khiến cho chính sách thiếu ổn định, thiếu tính dự báo trong khi mục tiêu quản lý đôi khi lại không đạt được”, ông Đức đánh giá.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết rủi ro pháp lý của doanh nghiệp có nhiều khía cạnh như chính sách thay đổi liên tục, chất lượng chính sách thấp, quy định hồi tố với doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp FDI, chuyên gia này cho biết nhóm đối tượng doanh nghiệp này rất sợ sự thay đổi chính sách liên tục vì không đoán định được.

Doanh nghiệp mất phương hướng vì “không biết theo luật nào”

Bên cạnh việc liên tục thay đổi chính sách, “chi phí không chính thức” và “giấy phép con” vẫn là hai cụm từ được cộng đồng doanh nghiệp nhắc tới, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh những năm gần đây.

Với lĩnh vực xây dựng – bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan, chồng chéo đang phổ biến. Theo đó, để ra đời một dự án cần bốn con dấu chính và rất nhiều con dấu phụ với thời gian xin dấu khoảng hai năm.

Dẫn chứng, vị này cho biết Luật Quy hoạch đô thị có quy định chấp thuận chủ trương rồi mới ra được quy hoạch, ngược lại Luật Đầu tư quy định phải có quy hoạch trước mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là vấn đề “quả trứng, con gà”, theo ông Hiệp.

Ngoài ra, Luật Đất đai quy định phải nộp 100% tiền mới được cấp sổ hồng, nhưng Luật Nhà ở quy định nộp 95% tiền cũng được cấp sổ, khiến doanh nghiệp không biết phải chấp hành theo quy định tại luật nào.

Thực trạng này, theo ông Hiệp, xuất phát từ tư duy mỗi cơ quan quản lý chỉ tập trung vào luật mình được giao soạn thảo, nên khó có thể nắm được những điểm bất hợp lý, mâu thuẫn từ các luật khác nhau. Thậm chí, các luật đều có một câu mang tính chất “thòng” là “nếu có mâu thuẫn, khác các luật khác thì áp dụng theo luật này”.

“Với doanh nghiệp và người dân thì không biết theo luật nào. Cơ chế về soạn thảo pháp luật đang vấp phải cái này”, ông Hiệp nói và cho rằng sự chồng chéo của pháp luật gây ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp.

Thực tế, những điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được nhiều cơ quan quản lý nhận diện. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Đất đai đã rà soát 88 luật có nội dung quy định đề cập vấn đề đất đai, trong đó xác định có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai. Cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã thực hiện rà soát 84 văn bản và phát hiện 12 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 24 nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, việc giải quyết không dễ dàng, theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – chuyên gia Ban Pháp chế của VCCI. Cụ thể, Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đều không quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài là “người sử dụng đất”. Ngược lại, Luật Nhà ở và Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tiếp tục quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có nhà ở riêng lẻ, biệt thự liền kề trong dự án đầu tư.

Về việc chuyển nhượng dự án bất động sản, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đều quy định về các điều kiện/yêu cầu với dự án, chủ đầu tư khi chuyển nhượng một phần/toàn bộ dự án đầu tư.

Dự thảo Luật Đất đai quy định, thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư, kinh doanh xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản cũng có quy định liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án kinh doanh bất động sản, nhưng lại không quy định các thửa đất trong dự án bất động sản khi chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận.

“Việc áp dụng trở nên khó khăn khi chủ đầu tư không biết nên áp dụng theo quy định của văn bản nào, nhất là khi quy định của 2 dự luật không hoàn toàn thống nhất với nhau”, bà Hồng phân tích.

Cũng theo bà Hồng, khi các dự luật có hướng tiếp cận khác nhau đối với một số vấn đề và các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tìm thấy tiếng nói chung, thậm chí, mỗi cơ quan vẫn chỉ nhìn các vấn đề trong phạm vi quản lý của mình, thì rủi ro sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động đầu tư kinh doanh.

Giảm lời “than phiền” về pháp luật kinh doanh

“Luật xuất phát từ chính sách, chính sách phải ổn định thì luật pháp mới ổn định” là thông điệp được bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, gửi tới các cơ quan quản lý tại một hội thảo diễn ra gần đây, với mong muốn các cơ quan quản lý hướng tới việc tạo lập một nền tảng chính sách pháp luật ổn định hơn, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân phát triển.

Theo bà Lan, từ năm 2005, khi làm Luật Doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý đã trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân mà Nhà nước “trót cầm nhầm”. Nhưng hiện một số cơ quan quản lý lại “cầm nhầm” nhiều hơn với cách thiết kế các vấn đề “tinh vi” hơn để gây khó cho doanh nghiệp, người dân.

Do đó, những người quản lý, điều hành phải tập trung xây dựng chính sách theo hướng để các doanh nghiệp đều cùng bình đẳng trên một nền tảng pháp luật.

Cũng theo bà Lan, các cuộc họp của Quốc hội và Chính phủ cần nhấn mạnh việc chính sách đưa ra sẽ hướng đến mục đích gì, kiến tạo điều gì.

“Khi có chính sách rồi thì quy định pháp luật cần tương thích với chính sách mới. Ngoài ra, việc thực hành luật cần được giám sát chặt chẽ như quá trình ban hành luật để đạt hiệu quả như mong đợi”, bà Lan nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), đề xuất cần có một “kiến trúc sư trưởng” với năng lực điều phối để bao quát hết nhóm vấn đề, tránh tình trạng mỗi bộ “ôm” một luật. Chẳng hạn, nội dung trên nền tảng số có tới 5 đạo luật chi phối hay bất động sản có tới 12 đạo luật chi phối.

Về vai trò của Quốc hội, ông Đồng cho rằng cơ quan này cần thực hiện vai trò định hướng chiến lược để tạo thuận lợi, ưu tiên thúc đẩy cơ hội kinh doanh mới và lan tỏa năng suất, giảm chi phí, bên cạnh việc thẩm định luật.

Còn khi tiếp cận một chính sách mới, cần phải xử lý được vấn đề cân bằng lợi ích giữa mô hình kinh doanh cũ và mới theo hướng thúc đẩy cái mới, nhưng cần có chính sách bù đắp cho mô hình cũ bị thua thiệt. Chẳng hạn, mô hình xe công nghệ với taxi truyền thống, mô hình thương mại điện tử với sạp hàng truyền thống, truyền hình trả tiền với truyền hình cáp.

Đề xuất của các chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân trong nước đối mặt với rủi ro pháp lý lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” của VCCI.

Cơ quan này cho rằng doanh nghiệp Nhà nước ít phải đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền do có lợi thế trong mối quan hệ với cơ quan Nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Còn doanh nghiệp FDI được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam và có sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan ngoại giao khi xảy ra tranh chấp với chính quyền sở tại.

Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước chịu rủi ro rất cao khi có sự thay đổi chính sách, khiến họ ít khi đầu tư vào các dự án lớn.

Thống kê của VCCI cho thấy, có 39% doanh nghiệp quy mô 11–50 lao động không bao giờ dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp trên 1.000 lao động chỉ là 19%.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-doanh-nghiep-duoc-kinh-doanh-on-dinh-tren-mot-nen-tang-phap-luat/