Để du lịch miền Trung tỏa sáng - Bài cuối: Làm mới sản phẩm và liên kết trong du lịch
Sau hai năm đình trệ vì dịch COVID-19, du lịch miền Trung đang đứng trước ngưỡng cửa của sự phục hồi sâu sắc và toàn diện.
Hàng loạt sản phẩm du lịch, điểm đến và dịch vụ vận chuyển, lưu trú đã được đầu tư nâng cấp để phục vụ du khách một cách tốt nhất. Qua đó tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung; vùng đất, con người, du lịch Quảng Nam nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, dịch COVID-19 đã làm cho du lịch Hội An tê liệt suốt 2 năm qua. Hội An đang khôi phục mạnh mẽ các hoạt động du lịch. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, các doanh nghiệp, các hãng lữ hành của Hội An đang tích cực xúc tiến chương trình liên kết, hợp tác giữa các điểm đến, địa phương trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Liên kết, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch, giữa các điểm đến, các địa phương là chìa khóa để mở cánh cửa du lịch, giúp du lịch phát triển có chiều sâu và bền vững.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, trung bình mỗi ngày cao điểm, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thu hút trên 3.000 lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan. Hiện tại, để đón khách trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và thích ứng với trạng thái bình thường mới, di sản này đã cơ bản hoàn thiện việc trùng tu, nâng cấp đền A1, các tháp A12, A13 thuộc nhóm tháp A; sắp xếp hoàn chỉnh đài thờ A10 với Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021 và hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật, tiêu biểu là "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại" đã được dàn dựng công phu với hàm lượng văn hóa, nghệ thuật cao, được kỳ vọng là điểm thu hút lớn lượng khách du lịch trong năm 2022.
"Dịch COVID-19 được khống chế là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch, song muốn du lịch phát triển, cộng đồng làm du lịch phải đẩy mạnh liên kết và không ngừng làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình", Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng: Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 được xác định là sự kiện mở đầu trong chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch, thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành du lịch của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 còn là dịp để thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố có tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Qua đó tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung; vùng đất, con người, du lịch Quảng Nam nói riêng đối với du khách trong nước và quốc tế.
Với hệ thống trên 500 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt (Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải: Đường Hồ Chí Minh: Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972), Quảng Trị đã tạo được thương hiệu du lịch là "Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình".
Các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9; Đường 9 – Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri; Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara luôn thu hút đông du khách.
Để phát huy thương hiệu du lịch sẵn có, tỉnh tổ chức Festival vì Hòa bình vào tháng 7/2022, cao điểm là từ ngày 20 đến 27/7. Festival vì hòa bình được tổ chức để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, ghi nhớ những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Việc tổ chức lễ hội nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh; là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới như thành phố Rotterdam (Hà Lan); Dresden, Cologne, Berlin (Đức); London (Anh); Stalingrad (Nga); Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Quảng Trị là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Khát vọng hòa bình hôm nay và mai sau chính là tâm nguyện của hàng chục nghìn anh linh liệt sỹ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Festival vì hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, đồng thời chuyển tải thông điệp của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tỉnh xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là "Ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình"; "Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây", liên kết du lịch "Con đường di sản", "Con đường huyền thoại"… của khu vực.
Năm 2022, tỉnh khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô, phạm vi của hoạt động dịch vụ du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quảng Trị coi bảo đảm an toàn dịch bệnh tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch là giải pháp trọng tâm để phục hồi du lịch; đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Lan tỏa hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện
Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách du lịch nội địa đến Thừa Thiên - Huế có nhiều tín hiệu khả quan. Địa phương đã chuẩn bị chu đáo để đón khách quốc tế với nhiều sản phẩm mới, sinh động, hấp dẫn du khách tại các điểm tham quan di tích ở khu vực Đại Nội như: tổ chức lễ đổi gác, chương trình âm sắc cung đình, biểu diễn ca Huế, tái diễn hoạt cảnh Hoàng thái hậu hồi cung, trình diễn các trích đoạn tuồng, lễ truyền lô…
Đặc biệt, thời gian tới, thành phố Huế sẽ ra mắt sản phẩm du lịch "Phố đêm Hoàng thành" mang đậm nét văn hóa Huế, nhằm tạo sự khác biệt, thu hút du khách trải nghiệm Huế về đêm ngay bên cạnh khu vực Đại Nội. Theo kế hoạch, ở giai đoạn 1, chương trình sẽ thí điểm hình thành khu phố đêm trên phạm vi từ cửa Thể Nhơn đến đường 23 tháng 8 và tuyến đường Lê Huân từ pháo đài Nam Thắng đến đường Yết Kiêu.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, điểm nhấn là giới thiệu hình ảnh du lịch với thông điệp "Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện", khẳng định thương hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài", "Huế - Kinh đô Ẩm thực", "Huế - Festival bốn mùa". Qua đó, thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ tại địa phương.
Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm giá vé tham quan di tích tại Quần thể di tích Cố đô Huế như một biện pháp để kích cầu du lịch. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, năm 2022, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa diễn ra liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong thời gian tới.
Cùng với đó, dự kiến vào quý IV năm 2022, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác với công suất 5 triệu hành khách/năm, bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên – Huế kiến nghị mở thêm nhiều đường bay thẳng quốc tế, qua đó góp phần tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến với địa phương.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhấn mạnh: Ngành Du lịch Quảng Nam đã xác định Năm Du lịch Quốc gia 2022 là sự kiện lớn, góp phần tạo sức bật cho du lịch của tỉnh cũng như cả nước. Để đón đầu và nâng cao chất lượng phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế, đến nay, ngành Du lịch Quảng Nam đã phối hợp cùng các ngành có liên quan hoàn thành việc xây dựng logo và Bộ nhận diện Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022.
Ngành triển khai quảng bá, tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Nam nói riêng là điểm đến an toàn, thân thiện. Mặt khác, ngành Du lịch Quảng Nam còn tập trung xây dựng tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh gắn với các sản phẩm được chờ đón như: Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, chương trình "Nét xưa phố Hội", "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại", sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch vào vùng sâu trong đất liền, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa độc đáo dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Thành phố Hội An là đầu tàu của du lịch Quảng Nam. Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách đồng thời giữ được hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa, các doanh nghiệp sử dụng phương tiện ca nô vỏ bằng vật liệu composite thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
"Hình ảnh và thương hiệu du lịch Hội An, du lịch Quảng Nam an toàn, thân thiện và mến khách, tình người đôn hậu là nguồn tài nguyên quý giá trong quá trình xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ thêm.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, các mô hình du lịch cộng đồng sinh thái đã góp phần làm đa dạng thêm cho ngành Du lịch của Đà Nẵng. Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh; du lịch tìm về chính mình sẽ là những loại hình phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19.
"Ngành Du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt 3,32 triêu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, góp phần thực hiện mục tiêu "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh kỳ vọng.