Để giảm áp lực phải thành công sớm: Người trẻ nên tự biết cân bằng

Sắp xếp thời gian khoa học, cân bằng thể chất - tâm lý giúp người trẻ giảm áp lực của cuộc sống. Ảnh: Internet

Ngày nay, không hiếm những người trẻ thành công nhanh chóng nhưng cũng không ít người nền tảng gia đình tốt, được nhiều người kỳ vọng nhưng loay hoay chưa định hình được con đường cho tương lai. Suy nghĩ “không bằng bạn bè cùng trang lứa” đã và đang tạo áp lực cho nhiều bạn trẻ.

Áp lực ngày càng gia tăng

Cơ chế thị trường khiến cho tác động của đồng tiền lên đời sống xã hội ngày càng mạnh mẽ và tài chính trở thành một trong những thước đo thành công của mỗi người. Trong bối cảnh đó, người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy phải phấn đấu, nỗ lực hết mình để kiếm tiền.

Bị áp lực bủa vây, bạn Võ Duy Cường (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống. Cường trải lòng: “Tôi là sinh viên năm tư của một trường đại học có tiếng ở TP Hồ Chí Minh nhưng nhìn các bạn, các em ngày nay giỏi giang mà thấy vô cùng áp lực. Ngày bước vào trường, tôi rất lạc quan, nhưng gần đây, sắp tốt nghiệp tôi lại thấy bất an. Tôi nhận ra, mình không có đam mê gì, cũng không biết mình thích gì, hàng ngày nỗi sợ cứ bủa vây lấy bản thân. Tôi nhận thấy tâm lý mình bất ổn nhưng vẫn không thoát ra được”.

Còn Phạm Ngọc Huấn (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) biết rất rõ mình muốn gì, nỗ lực vì điều gì nhưng đôi khi vẫn thấy chông chênh vì những cố gắng bản thân không đủ cho sự kỳ vọng của mọi người. Dù mới tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và đang làm việc tại một phòng khám tư nhân ở thành phố này nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, Huấn thường nhận được những câu hỏi kiểu như: “Học lâu quá, tốn nhiều tiền quá, ra trường rồi có việc làm chưa?”, “Sao không xin về bệnh viện địa phương làm việc cho ổn định?”, “Là bác sĩ mà sao chưa mua được nhà thành phố, vẫn phải ở trọ?”. Dù chỉ là lời hỏi han của người quen, bà con hàng xóm nhưng nhiều khi Huấn cảm thấy bất lực mà không biết phải làm sao.

Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo áp lực cuộc sống cũng nhiều hơn. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải học sao để được điểm cao, không thua bạn kém bè. Đến khi đi làm thì người trẻ quay cuồng với chuyện lương thưởng, thăng tiến… Cứ thêm tuổi mà chưa có nhiều thành tựu lại có người nhắc: “Sao từng này tuổi chưa có gì trong tay? Bạn bè cùng trang lứa nhiều người đã rất thành công rồi”… khiến họ phải nỗ lực mỗi ngày. Chuyện cân bằng thời gian giữa công việc và cuộc sống riêng tư cũng tạo nhiều áp lực, đè nặng lên vai mỗi người, che mất những tính cách riêng cũng như tiềm năng độc đáo của nhiều bạn trẻ.

Tự cân bằng để tạo ra động lực phấn đấu

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người, chỉ sau tim mạch. Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng bệnh trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng. Số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần trong độ tuổi từ 60-65, thì nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15-27 tuổi.

Có thể thấy rằng, trong xã hội này, dù người lớn hay người trẻ đều gặp nhiều khó khăn, áp lực từ việc kinh doanh, việc làm, học tập… Tuy nhiên, vì người lớn đã có trải nghiệm và kinh nghiệm sống cho nên khả năng vượt qua những khó khăn và áp lực thuận lợi hơn. Còn người trẻ do ít trải nghiệm, thiếu kinh nghiệm sống nên rất dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực khi gặp khó khăn, áp lực trong cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Thỏa, cử nhân tham vấn - ứng dụng tâm lý học trong công tác tổ chức nhân sự, hiện công tác tại Phòng Quản lý Khoa học công nghệ - Chất lượng đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, nếu muốn giảm áp lực, mỗi bạn trẻ nên điều chỉnh góc nhìn của mình. Thay vì tự áp lực bản thân trước những thành công của người khác, chúng ta nên xem đó là động lực. Bởi nếu chỉ nhìn về khía cạnh tiêu cực, vô hình trung, chúng ta tự tạo những nỗi lo làm ảnh hưởng đến cuộc sống, dẫn đến việc gây ra căng thẳng cho chính mình và ảnh hưởng đến chất lượng sống của bản thân.

Bà Thỏa cũng đưa ra lời khuyên rằng, khi cảm thấy khó khăn, bế tắc trong cuộc sống mà không suy nghĩ ra giải pháp nào để giải quyết thì điều đầu tiên là mỗi người nên quay lại nhìn nhận chính mình. Nhìn nhận ở đây là nhìn lại những điều kiện mình đang có, nhìn lại sự cố gắng nỗ lực của mình, những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân. Và nếu so sánh, hãy so bản thân mình hôm nay với hôm qua xem mình đã cải thiện được gì. Chỉ khi nhìn nhận đúng về bản thân, bạn mới có động lực để phát triển. “Trong trường hợp chưa đủ kiến thức, kỹ năng nhìn lại mình, các bạn nên tham vấn chuyên gia tâm lý hoặc ít nhất hãy tìm đến một người mà bạn tin tưởng nhất để chia sẻ. Dù không có chuyên môn nhưng sự đồng cảm sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý và bình tâm trở lại”, bà Thỏa cho biết.

Ngoài ra, để giúp cân bằng giữa thể chất và tâm lý, các chuyên gia cho rằng các bạn trẻ cũng cần sử dụng thời gian một cách hợp lý; cân bằng giữa việc học tập, làm việc, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí và mở rộng mối quan hệ cộng đồng; nên đi đây đi đó để mở tầm nhìn, đọc thêm sách báo để suy nghĩ sâu sắc thêm các vấn đề của cuộc sống xung quanh; tìm một môn thể thao hay một môn nghệ thuật mình yêu thích để luyện tập hàng ngày. Việc cân bằng được thể chất - tâm lý sẽ giúp nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng, đúng với bản chất sự việc hơn và từ đó có những định hướng để sống và làm việc hiệu quả hơn.

Dù cuộc sống hiện đại nhiều áp lực nhưng sau tất cả, những người trẻ vẫn đang không ngừng cố gắng. Tất nhiên, trên con đường người trẻ nỗ lực để tự hoàn thiện vẫn cần sự thấu cảm từ những người xung quanh, nhất là gia đình để những người trẻ không cảm thấy đơn độc trên hành trình phát triển bản thân.

Bà Nguyễn Thị Thỏa, cử nhân tham vấn - ứng dụng tâm lý học trong công tác tổ chức nhân sự, hiện công tác tại Phòng Quản lý Khoa học công nghệ - Chất lượng đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/81/296510/de-giam-ap-luc-phai-thanh-cong-som--nguoi-tre-nen-tu-biet-can-bang.html