Để giúp Càn Long an ổn, Ung Chính đã ban chết cho người con nào?
Một số nhà sử học tin rằng để tránh một cuộc tranh giành ngôi vị tương tự như thời của mình, Ung Chính đã lệnh cho một hoàng tử phải tự tử để Càn Long thuận lợi lên ngôi.
"Cửu tử đoạt đích" là cuộc tranh giành ngôi vị tàn khốc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, khi mà hầu hết các hoàng tử dưới thời Khang Hi đều tham gia.
Cuộc tranh giành kết thúc bằng sự đăng cơ của Tứ hoàng tử Dận Chân, cũng chính là Ung Chính đế sau này. Những hoàng tử tham gia cuộc tranh giành đều bị giam cầm đến chết ngoại trừ Dận Tường và Dận Trinh.
Đồng thời, "Cửu tử đoạt đích" cũng tạo nên sự ảnh hưởng lớn đối với chế độ thừa kế hoàng vị ở thời nhà Thanh. Sau khi lên ngôi, Ung Chính đế không thể không suy nghĩ về chế độ gây ra nhiều đau khổ này, thậm chí còn cân nhắc đến việc chế độ nghìn năm có nên bị bãi bỏ hay không.
Hoằng Thời là con trai thứ ba (tính theo số đếm chính thức) của Ung Chính đế. Ông có thể được xem là vị hoàng tử ngu ngốc nhất Thanh triều. Căn cứ vào tôn ti trật tự và chế độ hoàng thất lúc bấy giờ, cho dù không lên làm Hoàng đế, Hoằng Thời vẫn có thể trở thành vương gia quý tộc có quyền có thế. Song Hoằng Thời lại không cam tâm, mặc kệ sự sắp xếp đường đi nước bước của cha là Ung Chính đế, mà cùng chú - Bát a ca Dận Tự (hoàng tử thứ tám của Khang Hi) tác oai tác quái, cuối cùng không những mất mạng, mà còn bị tước mất tên tuổi trong hoàng tộc.
Khi Hoằng Lịch chào đời, huynh trưởng của ông là Hoằng Huy, Hoằng Phán, Hoằng Quân đều sớm tạ thế. Hoằng Thời, anh trai thứ 4 (trên danh nghĩa là thứ 3, gọi là Tam a ca) của Hoằng Lịch, là người con trai trưởng thành nhất của Ung Chính đế, khi đó ông mới là Ung Thân vương dưới thời Khang Hi. Hoằng Lịch là con trai thứ 5 (trên danh nghĩa là thứ 4) của Ung Thân vương.
Từ nhỏ, Hoằng Lịch tư chất hơn người, học đâu nhớ đó. Năm Khang Hi thứ 60 (1721), Khang Hi nghe nói cháu nội Hoằng Lịch ở Ung Thân vương phủ rất thông minh, bèn cho mời gặp. Sau khi gặp, Khang Hi rất thích Hoằng Lịch, lệnh đưa vào cung học vấn, sau đó còn cho đi theo mình đến Tị Thử sơn trang (khu nghỉ mát của hoàng thất nhà Thanh). Khi đó, Hoằng Lịch mới 10 tuổi.
Khi Khang Hi đế qua đời (1722), Ung Thân vương đăng cơ, lấy niên hiệu là Ung Chính. Hoằng Thời hành vi phóng túng, rất không được Ung Chính yêu thích, mà Hoằng Lịch vào những năm cuối, được Khang Hi sủng ái, nên vô hình trung đã khiến địa vị của Hoằng Lịch trong cuộc tranh đoạt hoàng vị suôn sẻ hơn. Đây có lẽ là lý do Ung Chính đã ngấm ngầm chọn Hoằng Lịch làm Trữ quân - người kế nhiệm hoàng vị tiếp theo.
Cho rằng triều đình phải tuân theo chế độ kế thừa, kế ngôi phải từ trên xuống dưới, Hoằng Thời bất mãn vì mình không phải là người được chọn.
Hoằng Thời có suy nghĩ này cũng không phải lạ, bởi lẽ Đại a ca Dận Thì, con trai trưởng của Khang Hi ban đầu cũng ôm tư tưởng này mà khơi mào "Cửu tử đoạt đích".
Thế nhưng Hoằng Thời không hiểu được nỗi khổ tâm của Ung Chính. Vì để nâng cao địa vị của mình trong lòng cha, ông đã kiến nghị lên Hoàng đế hãy thả Thân vương Dận Tự, tức anh trai của Ung Chính. Điều này đã vượt quá giới hạn của Ung Chính vì Dận Tự là "đối thủ chính trị" của ông, khiến ông vô cùng thất vọng về người con trai này.
Năm 1725, vì hành vi phóng túng không biết kiểm điểm, Ung Chính đế tước bỏ thân phận Hoàng tử của Hoằng Thời, ra lệnh trục xuất khỏi Tử Cấm Thành.
Tuy không bị giam cầm như Dận Tự, thay vào đó Hoằng Thời bị quản thúc bởi 1 vị hoàng thúc khác, Lý Thân vương Dận Đào, hoàng tử thứ 12 của Khang Hi. Sau khi bị trục xuất, Hoằng Thời không có chút ăn năn hối hận nào. Việc này làm cho Ung Chính đế hết sức tức giận nên ông đã xóa tên Hoằng Thời khỏi gia tộc Ái Tân Giác La, xem như chấm dứt mối quan hệ cha con giữa 2 người.
Một số nhà sử học tin rằng để tránh một cuộc tranh giành ngôi vị tương tự như thời của mình, Ung Chính đã lệnh cho Hoằng Thời phải tự tử để loại bỏ một đối thủ trong việc lên ngôi của Bảo Thân vương Hoằng Lịch, Càn Long sau này. Điều này chưa được chứng minh nhưng vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Đồng thời bản thân Ung Chính cũng bị mang tiếng ác là "cha giết con".
Ngay sau khi Ung Chính băng hà vào năm 1735, Trang Thân vương Dận Lộc, hoàng tử thứ 16 của Khang Hi đã xin Càn Long đế khôi phục lại thân phận thành viên gia tộc Ái Tân Giác La cho Hoằng Thời. Càn Long Đế vì niệm tình anh em nên đã chấp nhận phục vị cho anh mình.