Để hệ thống chính trị thu hút được nhân tài - Bài 4: Tuyển dụng, bố trí, điều động cán bộ phải phù hợp

Bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương được coi là bộ khung của nền công vụ quốc gia, do vậy các công chức làm ở đó phải là những người giỏi. Vậy, để hút được người giỏi vào hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh giải pháp nào? Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

* Bà TRƯƠNG THỊ MAI, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Có chính sách để cán bộ trẻ năng lực nổi trội thuận lợi phát huy khả năng

Cần xây dựng một số chính sách đặc thù cho cán bộ trẻ, song song với việc hoàn thiện cơ chế, tiêu chuẩn, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng; giao nhiệm vụ và thử thách, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Ban Tổ chức Trung ương và Trung ương Đoàn sẽ phối hợp trực tiếp đi khảo sát một số nơi có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ trẻ tốt, từ đó, đề xuất Bộ Chính trị có chính sách để cán bộ trẻ có năng lực nổi trội thuận lợi phát huy khả năng của mình. Việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ trẻ phải được gắn với trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

* Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Sớm có chính sách, cơ chế riêng về tuyển dụng cán bộ trẻ

Cần cho Đoàn thanh niên các cấp một số dư biên chế dự phòng, tuyển đa dạng đầu vào, cử nhân, kỹ sư các ngành nghề khác nhau, đào tạo qua thực tiễn công việc, giao nhiệm vụ cụ thể, nếu hoàn thành tốt sẽ đưa đi các địa phương, đơn vị, họ có thể làm quản lý ngay hoặc có thể làm chuyên viên rồi dần dần phát triển lên. Trước đây Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã đề xuất Ban Tổ chức Trung ương cho phối hợp ban thường vụ các tỉnh, thành ủy để thi tuyển công chức đối với các đối tượng này, nhằm đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần sớm có chính sách, cơ chế riêng về tuyển dụng cán bộ trẻ. Cơ chế như hiện nay sẽ rất khó thu hút được những người trẻ có năng lực nổi trội, có tiềm năng phát triển vào hệ thống chính trị, vì không có gì hấp dẫn họ.

* Ông BÙI QUANG HUY, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn: Bố trí, sử dụng, điều động cán bộ phù hợp

Hiện nay, một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ, giỏi chưa được quan tâm chú trọng, dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, việc xây dựng một chính sách mới dành riêng cho việc phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, đặc biệt là thu hút người có năng lực nổi trội vào hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới là việc làm cấp thiết. Cùng với việc sớm xây dựng ban hành chính sách này, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể cần quan tâm, tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ trẻ phát huy khả năng, sở trường, cống hiến, trưởng thành, từ đó bố trí, sử dụng, điều động cán bộ phù hợp.

* Ông NGUYỄN VĂN PHONG, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Phải lựa chọn người tài một cách công bằng

Từ kinh nghiệm của TP Hà Nội, có thể thấy rất rõ vai trò người đứng đầu trong việc phát triển đội ngũ cán bộ tài năng, trẻ. Ở địa phương nào, đơn vị nào, cấp ủy và người đứng đầu quan tâm thì cán bộ trẻ, giỏi sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn. Một kinh nghiệm nữa là, với những người trẻ, giỏi, họ mong muốn nhất là được thử sức, được đánh giá, lựa chọn một cách công bằng. Nếu chúng ta làm không minh bạch, không công bằng thì những người trẻ, giỏi sẽ mất niềm tin và ra đi.

* Ông NGUYỄN MINH VŨ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Cạnh tranh với khu vực tư bằng các yếu tố phi vật chất

Trong bối cảnh cạnh tranh tìm kiếm nhân tài ngày càng khốc liệt, chúng ta cần có cách tiếp cận chủ động. Tuy không thể cạnh tranh bằng chế độ lương bổng và các đãi ngộ vật chất như các doanh nghiệp, nhưng chúng ta có thể cạnh tranh bằng các yếu tố phi vật chất, đó là tạo môi trường, cơ hội cho cán bộ trẻ học tập với những cơ hội được đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách với những cam kết rõ ràng; dành cho họ cơ hội được cống hiến hết sức mình ở những vị trí có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, xã hội. Nếu trong suốt quy trình từ phát hiện, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm…, chúng ta làm công tâm, có sự quan tâm thực sự, thì khu vực nhà nước còn hấp dẫn hơn thị trường, vì thị trường rất khốc liệt, theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ, đào thải nhanh.

* Bà NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT: Xây dựng cơ chế tuyển dụng trí thức, người tài gắn với cơ chế thị trường

Cần khuyến khích xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình quản lý, tuyển dụng, đào tạo, sử dụng nhân tài, đội ngũ trí thức mới hiện đại, phù hợp với bối cảnh phát triển mới ở trong nước cũng như quốc tế, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển của các ngành trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cụ thể. Xây dựng cơ chế tuyển dụng trí thức, người tài vào khu vực nhà nước gắn với cơ chế thị trường. Tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù, linh hoạt trong thu hút, tuyển dụng đội ngũ trí thức, đặc biệt là những người có trình độ cao, người tài vào khu vực nhà nước. Cải thiện chính sách tiền lương cho các nhóm trí thức thuộc khu vực công lập theo hướng cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp gắn với nhiệm vụ, trách nhiệm, vị trí đảm nhận, giúp họ cống hiến lâu dài cho cơ quan, đơn vị.

* Ông UÔNG VIỆT DŨNG, Chánh văn phòng Bộ GTVT: Cần có cơ chế chính sách đặc biệt, mang tính đột phá

Hiện ngành GTVT đang thực hiện hàng loạt các quy hoạch, các dự án lớn trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy... Khối lượng công việc khổng lồ này đòi hỏi đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực làm việc tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện rất khó khăn, do phải tuân thủ những quy định về tuyển dụng theo Luật Cán bộ công chức; tiêu chuẩn về trình độ năng lực đòi hỏi rất cao, nhưng chế độ đãi ngộ lại theo khung bậc nhà nước, nên không thu hút được nhiều người giỏi. Đây là vấn đề của toàn ngành giao thông khi được giao làm chủ đầu tư các dự án lớn. Những người trẻ, giỏi hiện nay có nhiều cơ hội để lựa chọn nên nếu không có cơ chế chính sách đặc biệt, mang tính đột phá thì khó thu hút.

* TS TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cứ có tài, có đức, có tinh thần cống hiến là lựa chọn, trọng dụng

Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam hiện là đơn vị được giao nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chính sách trọng dụng nhân tài. Nhân tài không phân biệt đảng viên và người ngoài đảng; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; khi tìm tòi, phát hiện, tiến cử thì phải tìm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ học sinh, sinh viên, các nhà khoa học. Chính sách thu hút, trọng dụng phải được tư duy biện chứng: thu hút để trọng dụng và trọng dụng để thu hút. Khi tuyển chọn nhân tài thì không nên bó buộc “chạy” theo bằng cấp, vùng miền, tuổi tác và không giới hạn nhiệm kỳ. Cứ có tài, có đức, có tinh thần cống hiến là lựa chọn, trọng dụng.

Liên quan đến chính sách trọng dụng nhân tài, từ ngày 6-8-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 7-4-2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bộ Chính trị đánh giá: thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Bộ Chính trị giao ban chỉ đạo đề án hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị yêu cầu có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành.

PHAN THẢO - BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-he-thong-chinh-tri-thu-hut-duoc-nhan-tai-bai-4-tuyen-dung-bo-tri-dieu-dong-can-bo-phai-phu-hop-post690131.html