Để Hiệp định EVFTA tiếp tục phát huy vai trò tuyến 'đường cao tốc'

'Kỳ tích' trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua là minh chứng rõ rệt cho sự thành công của EVFTA.

EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. (Nguồn: Printest)

EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. (Nguồn: Printest)

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

EVFTA đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế cho hai bên trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Đây cũng là một trong những FTA thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là hiệp định FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, hiệp định này được cả hai bên rất quan tâm trong quá trình thực thi.

"Kỳ tích" trong thương mại và đầu tư

Theo báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu.

Tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ ba có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, nhìn chung, Hiệp định đã giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU, ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.

Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Tại hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” diễn ra mới đây, bà Đào Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) cũng nhận định, “kỳ tích” trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian qua đã là minh chứng rõ rệt cho sự thành công của EVFTA.

Bà Đào Thu Trang cho hay: “Xuất khẩu của Việt Nam sang khối 27 thành viên đã tăng 50% trong vòng 4 năm qua. Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hơn các ngành hàng máy móc, trang thiết bị, nguyên phụ kiện dệt may từ châu Âu với mức tăng trưởng 35 - 40%.

Chính hiệp định EVFTA đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khu vực. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác cung ứng hàng hóa lớn nhất của Đức trong khu vực Đông Nam Á".

Hiện nay, hơn 1.500 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Cứ 3 doanh nghiệp châu Âu thì có một doanh nghiệp Đức. Họ đang đóng góp cho sự phát triển không chỉ là về kinh tế, xã hội mà còn về nguồn nhân lực cho Việt Nam một cách bền vững.

Lễ phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA tại Gia Lai. (Nguồn: TTXVN)

Lễ phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA tại Gia Lai. (Nguồn: TTXVN)

Chưa đạt được kết quả xứng tầm

Là một trong những người trực tiếp soạn thảo báo cáo trình Chính phủ về đánh giá tác động của EVFTA, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển (VIDS - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, ông cũng như các đồng nghiệp nhận thấy, Hiệp định "lịch sử" này mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp hai bên.

Ông Thắng đánh giá: "Khi đó, chúng tôi kỳ vọng vào sự bùng nổ thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam - EU nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Điều này có thể xuất phát từ những nguyên do như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có những nguyên nhân khác từ góc độ, tầm nhìn, đánh giá từ các doanh nghiệp EU".

Thời gian tới, để gặt hái nhiều hơn những thành quả từ EVFTA, từ góc độ của các doanh nghiệp châu Âu, bà Đào Thu Trang cho hay, châu Âu mong muốn phía Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi các cam kết, đặc biệt về lao động, công đoàn, dược phẩm, đăng kiểm ô tô nhập khẩu từ châu Âu hay phê duyệt những ngành hàng nông sản từ châu Âu.

Châu Âu muốn hợp tác với rất nhiều quốc gia, trong đó, có các quốc gia Đông Nam Á để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia cụ thể. Do đó, đa phương hóa và đa dạng hóa là những nội dung mà các quốc gia cũng như doanh nghiệp châu Âu rất coi trọng.

Không chỉ thế, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân... là những nội dung châu Âu coi trọng và mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về phía Việt Nam, báo cáo của CIEM đã đưa ra các khuyến nghị như: Rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Ngoài ra, cần tăng cường, đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA; rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.

Nếu cải thiện được những khó khăn trên, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục phát huy vai trò là tuyến "đường cao tốc" kết nối doanh nghiệp Việt Nam và EU, giúp hai bên phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-hiep-dinh-evfta-tiep-tuc-phat-huy-vai-tro-tuyen-duong-cao-toc-273054.html