Để làm báo thành danh thì tri thức cơ bản về khoa học xã hội là yếu tố quyết định
TS Phan Văn Kiền: Điểm xét tuyển đại học của một ngành học căn cứ trên chỉ tiêu tuyển sinh và số hồ sơ nộp đăng ký vào ngành. Thông thường nhà trường sẽ lấy từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Những năm gần đây, một số trường lượng hồ sơ đăng ký không đủ chỉ tiêu, vì vậy điểm chuẩn thường không cao. Nhưng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nói riêng từ trước tới nay thường có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Vì vậy, việc phải lựa chọn những ứng viên có điểm cao là chuyện dễ hiểu.
Đối với tuyển sinh đại học, điểm xét tuyển cao cho thấy ngành học có nhu cầu xã hội cao. Xã hội hiện đại của chúng ta hiện nay là xã hội thông tin trong khi các ngành báo chí truyền thông nói chung lại là ngành kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội, vì vậy, nhu cầu nhân lực của ngành tăng rõ rệt trong nhiều năm qua và chưa bao giờ hết cấp thiết. Chúng ta có thể thấy sự phụ thuộc của con người vào các phương tiện truyền thông ngày càng cao. Vì vậy, bản thân lĩnh vực báo chí truyền thông cũng phát triển ngày càng phong phú, phức tạp các ngành, chuyên ngành, phân ngành hẹp. Bên cạnh báo chí, những năm qua liên tục xuất hiện thêm các ngành học truyền thông mới như truyền thông đa phương tiện, báo chí số, truyền thông số, truyền thông đối ngoại, văn hóa truyền thông, truyền thông xuyên quốc gia…
Đồng thời, sự nở rộ của các ngành liên quan đến truyền thông trong các trường đại học, đặc biệt là các trường tư thục cho thấy sức nóng của ngành này. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các trường được đào tạo ngành báo chí chỉ chưa đếm hết trên đầu ngón tay. Trong đó, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những đơn vị có uy tín và truyền thống hàng đầu trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc thí sinh lựa chọn một đơn vị đào tạo hàng đầu để nộp hồ sơ cũng khiến cho điểm chuẩn của Viện chúng tôi thường cao hơn các ngành khác.
TS Phan Văn Kiền: Theo tôi nghĩ thì điểm đầu vào chỉ giúp xác định được hai khía cạnh: Nhu cầu của xã hội với ngành học và chất lượng đầu vào của người học. Đó hiển nhiên là một điều kiện quan trọng trong quá trình đào tạo. Nhưng nó không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn tới chất lượng của ngành học cũng như của cơ sở đào tạo, càng không phải là yếu tố quyết định chất lượng “đầu ra” của người học. Vì vậy, hiển nhiên là trong bối cảnh cạnh tranh và xếp hạng đại học trở thành yếu tố then chốt thì không thể nói là chúng tôi không có áp lực. Tuy nhiên, áp lực của chúng tôi không đến từ điểm số đầu vào.
Áp lực của chúng tôi đến từ hai khía cạnh chính: Thứ nhất, trong bối cảnh xếp hạng đại học càng ngày càng trở nên quan trọng, áp lực “tụt hạng” là điều luôn khiến các trường học, ngành học hàng đầu phải trăn trở để luôn đổi mới và nâng cao chất lượng của mình.
Thứ hai, ngành báo chí truyền thông là ngành lệ thuộc rất lớn vào bối cảnh xã hội và sự phát triển của công nghệ. Trong khi xã hội và công nghệ thì thay đổi từng ngày. Vì vậy, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, áp lực với các cơ sở đào tạo và giảng viên ngành báo chí truyền thông là làm thế nào để vẫn đảm bảo tính hàn lâm của một trường đại học có truyền thống mà không bị cũ, không bị lạc hậu so với thực tiễn thay đổi quá nhanh chóng.
TS Phan Văn Kiền: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tiền thân là Khoa Báo chí thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, “cái nôi” của nền khoa học cơ bản nước nhà. Vì vậy, Viện kế thừa truyền thống tổng hợp với bản sắc là tri thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, với đặc thù là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng, Viện chúng tôi được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, giúp sinh viên có cơ hội thực hành, tác nghiệp thực thụ trong môi trường truyền thông số. Vì vậy, có thể thấy hai “bản sắc” của sinh viên báo chí truyền thông tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là tri thức nền tảng và hiện đại.
Để đào tạo được một người làm báo đơn thuần với các kỹ năng tác nghiệp cơ bản thì có khi chỉ cần 2 năm, thậm chí, rất nhiều thế hệ nhà báo ở Việt Nam từ trước tới nay thành danh mà không ngồi một ngày nào trên ghế giảng đường báo chí truyền thông. Nhưng để đào tạo ra một nhà báo với đúng nghĩa của hai từ này thì tri thức nền tảng, cơ bản là rất quan trọng.
Để làm báo được nhanh, người ta chỉ cần học kỹ năng, nhưng để làm báo thành danh, đi con đường xa thì tri thức cơ bản về khoa học xã hội lại là yếu tố quyết định. Vì vậy, trong chương trình đào tạo của Viện chúng tôi, các học phần liên quan đến tri thức nền tảng đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi cũng có lợi thế là các tri thức này của sinh viên thường được trang bị bởi các chuyên gia, các đơn vị hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn hiện nay ở trường chúng tôi.
Với bản sắc ấy, khi cơ quan báo chí cần thực hiện các dạng chuyên đề sâu, cần có tri thức và tầm nhìn, năng lực phản biện, phân tích, đánh giá… thì các nhà báo được đào tạo từ “lò” tổng hợp tỏ ra có lợi thế.
TS Phan Văn Kiền: Một thời gian dài, ở Việt Nam chỉ chủ yếu đào tạo nhân lực báo chí. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường truyền thông phát triển rất nhanh chóng khiến nhu cầu nhân sự lĩnh vực này luôn ở mức cao.
Sự phát triển của các nền tảng truyền thông mới đã nới rộng biên độ công việc của lĩnh vực này. Hiện nay, nhân lực báo chí truyền thông không hẳn là cung cấp trực tiếp cho các công ty, các tổ chức hoặc các tổ chức nguồn nhân lực nữa. Một sinh viên báo chí truyền thông hiện nay có thể tự thiết kế công việc, tổ chức công ty cho riêng mình trên nền tảng internet mà thu nhập không hề thua kém so với công việc ở tập đoàn quốc tế nào.
Như vậy, có thể thấy, sinh viên báo chí truyền thông hiện nay có thể hết sức linh hoạt và chủ động trong công việc sau khi ra trường. Ngoài các công việc truyền thống như làm phóng viên, biên tập viên báo chí, nhân viên PR hay nhân viên quảng cáo, marketing, tiếp thị… thì hiện nay, các công việc liên quan đến thiết kế ý tưởng và sáng tạo nội dung đã mở rộng biên độ ra hầu hết các khu vực từ các tổ chức đến các cá thể.
Có thể nói, cơ hội việc làm chưa bao giờ rộng mở với nhân lực lĩnh vực báo chí truyền thông như hiện nay.
TS Phan Văn Kiền: Như đã nói ở trên, sinh viên học tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có hai đặc trưng cơ bản là được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc và được cập nhật nhanh với những xu hướng công nghệ truyền thông hiện đại. Vì vậy, các bạn học sinh THPT có phông kiến thức rộng và vững là một lợi thế. Ngoài ra, các bạn cũng nên tiếp cận dần với các xu hướng công nghệ mới của báo chí truyền thông như công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường cũng như các nền tảng công nghệ khác của quá trình chuyển đổi số…
Và hiển nhiên, để có thể có cơ hội phát huy các lợi thế nói trên thì việc đầu tiên là bạn phải đối diện với việc cạnh tranh tương đối “căng” để có một “suất” trở thành sinh viên của Viện chúng tôi
Theo ông, những ngành học nào tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ có điểm đầu vào cao trong năm 2024?
TS Phan Văn Kiền: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thường là một trong những đơn vị có điểm đầu vào cao nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ở mức cao trong khối các trường khoa học xã hội cả nước. Vì vậy có thể nói cả hai ngành đào tạo ở bậc đại học của Viện là ngành Báo chí và ngành Quan hệ Công chúng đều có thể có ngưỡng điểm cao.
Năm 2024, Viện sẽ thực hiện xây dựng chương trình và lộ trình học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật nên có thể sẽ có một số biến động về học phí cũng như điểm chuẩn đầu vào. Các bạn sinh viên có thể theo dõi các buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp cũng như online trên các báo, đài, tạp chí chính thống cũng như trên các kênh chính thức của nhà trường và của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông để có những tư vấn chính xác nhất theo từng thời điểm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Anh – Tú Chân (Thực hiện) | Hình ảnh: NVCC | Thiết kế: Kiều Tú