Để Lịch sử không là 'nỗi sợ'
Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm dạy cho tất cả học sinh THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018. Dẫu đã điều chỉnh thời lượng giảm hơn, song để môn học này không là 'nỗi sợ' của học trò vẫn đòi hỏi sự đổi mới trong cả kiểm tra đánh giá và phương pháp giảng dạy.
Điều chỉnh phù hợp
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch 770/KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong CT GDPT 2018 cho năm học 2022 - 2023. Theo đó, chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc có thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh thay vì là môn lựa chọn.
Nói về điều chỉnh này, cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), khẳng định cần thiết và phù hợp. Bởi mỗi môn học đều mang ý nghĩa giáo dục, nhưng Lịch sử với đặc thù riêng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc…
Mặt khác, việc điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc với cấp THPT khi giảm kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy tình yêu quê hướng đất nước, truyền thống cách mạng, tâm thế học tập không khó khăn. Hơn thế, việc rút gọn vẫn đảm bảo cấu trúc, tinh thần, định hướng nghề nghiệp không thay đổi… cũng giúp học sinh lựa chọn, định hướng nghề nghiệp hiệu quả.
Đồng quan điểm, cô Trần Thị Thoan, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng), đánh giá cao sự phù hợp với thời lượng 52 tiết/năm. Hơn thế, chương trình còn ưu tiên cho lịch sử Việt Nam, phần cắt giảm cả chủ đề và nội dung cũng thuận lợi hơn cho giáo viên khi xây dựng bài giảng...
Tuy vậy, cô Thoan cho rằng, chủ đề lịch sử định hướng nghề nghiệp so với học sinh đại trà, phần kiến thức hàn lâm thời lượng còn nhiều. “Học sinh mới vào THPT học kiến thức nặng liệu có ảnh hưởng tới sự yêu thích với môn Lịch sử?”, do đó, cô Thoan cho rằng nên điều chỉnh hoặc bỏ phần này.
Dưới góc nhìn của mình, cô giáo Lịch sử Phạm Thu Phương, Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) cũng khẳng định việc điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc là cần thiết. Sách giáo khoa Lịch sử theo CT GDPT 2018 viết đã ngắn gọn với tổng số 52 tiết/năm, giảm về thời lượng và xét tổng thời gian 3 năm học THPT phù hợp với mọi học sinh bởi ngoài giảm thời lượng còn tinh giản một số nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt… Học sinh sẽ không còn áp lực với lượng kiến thức Lịch sử vừa lớn vừa khó.
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Lịch sử khẳng định, việc tinh giản đã đảm bảo tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà, quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Các chủ đề, nội dung lựa chọn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhận thức học sinh; Coi trọng kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam… Như vậy chắc chắn môn Lịch sử bắt buộc sẽ hấp dẫn và đảm bảo tính khả thi, vừa sức với học sinh đại trà trong quá trình học tập, kiểm tra đánh giá…
Không để học sinh “sợ” học Lịch sử
Từ thực tế dạy học Lịch sử, cô Nguyễn Thị Tâm chỉ ra lý do học sinh không hào hứng với môn Lịch sử bởi tương quan giữa 3 môn Sử, Địa, Giáo dục công dân thì Địa có ưu thế, dễ kiếm được 3 điểm phần Atlat, không sợ bị điểm liệt; Giáo dục công dân có nhiều câu vận dụng kiến thức thực tế không khó kiếm điểm. Trong khi đó, môn Lịch sử nội dung kiến thức ôn tập có thể bằng môn Địa, Giáo dục công dân nhưng không dễ kiếm điểm.
Theo cô Tâm, để học sinh THPT không “sợ” học Sử, bên cạnh tinh giản thời lượng, nội dung kiến thức phù hợp thì giáo viên nhất định phải đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, việc kiểm tra đánh giá cũng cần đổi mới, đơn giản, nhẹ nhàng hơn theo kiến thức đã dạy, không bắt học trò ghi nhớ nặng nề các kiến thức trong SGK… Minh chứng, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đề thi môn Lịch sử nhẹ nhàng hơn, mức độ vừa phải đã “kích thích” học sinh rất nhiều trong việc lựa chọn học tập, thi môn Lịch sử.
Cùng quan điểm trong việc để học sinh không sợ học Lịch sử như nhiều đồng nghiệp đó là tinh giản phù hợp nội dung chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá…, cô Phạm Thu Phương, Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò người thầy trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thực tế, khi được nghe giáo viên kể những câu chuyện lịch sử xúc động, xem hình ảnh bi thương của một giai đoạn lịch sử… nhiều học sinh đã rơi nước mắt. Hoặc trong bài giảng, giáo viên giới thiệu sâu hơn về nhân vật lịch sử, vị tướng tài, tường thuật các trận đánh, xem phim tài liệu… học sinh cũng dễ hình thành cái nhìn trực quan hơn.
“Phương pháp giảng dạy Lịch sử nếu phong phú, dễ hiểu, gần gũi với đời sống… chắc chắn sẽ lôi cuốn học sinh học tập. Nếu giáo viên vẫn không thoát ly được sách giáo khoa, dạy học kiểu đọc chép thì việc học sinh nhàm chán môn Lịch sử là khó tránh”, cô Phạm Thu Phương nhấn mạnh.
Em Giàng Thị Chư, lớp chuyên Văn Trường THPT chuyên Lào Cai (Lao Cai) vừa đạt điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chia sẻ: Các kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa được thể hiện khá đầy đủ, chi tiết, trang nghiêm. Chính vì vậy, sự truyền đạt của người thầy không thể khô khan, cứng nhắc. Có thể mở rộng, hoặc đưa thực tế vào môn Lịch sử sẽ giúp học sinh cảm nhận sự gần gũi, khơi dậy sự tò mò, ham học với bộ môn...
“Cô giáo dạy Lịch sử của em vui tính, hài hước, vì vậy các bài giảng của cô khá thú vị, hấp dẫn khiến chúng em dễ hiểu và nhớ kiến thức ngay trên lớp. Cô đã khơi dậy thành công trong học trò sự hào hứng được tìm hiểu, học tập môn Lịch sử dù học sinh có thể không học chuyên Sử…”, Giàng Thị Chư chia sẻ.
Phạm Văn Linh, học sinh Trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) đạt điểm 10 môn học này, kể: Em yêu môn Lịch sử bởi được học những thầy cô có phương pháp giảng dạy hấp dẫn, đưa thực tế vào bài giảng khiến chúng em dễ hiểu và nhớ kiến thức, thêm yêu đất nước, biết ơn các thế hệ cha anh... Khi hiểu và nhớ kiến thức ngay trên lớp thì việc ôn tập tại nhà đơn giản, không áp lực việc học thuộc con số hay sự kiện…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-lich-su-khong-la-noi-so-post602532.html