Để mận cơm biến thành 'cơm'

Những năm gần đây, diện tích trồng mận cơm tại Lạng Sơn có xu hướng gia tăng, nhờ đặc tính dễ chăm sóc, cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Tuy nhiên, đầu ra chưa ổn định, giá bán thấp, thời gian thu hoạch ngắn khiến hiệu quả kinh tế từ loại cây này còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu về nghiên cứu, phát triển các phương pháp chế biến sâu, kéo dài thời gian bảo quản quả mận cơm.

Nông dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc thu hoạch mận cơm

Nông dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc thu hoạch mận cơm

Trên địa bàn tỉnh, mận cơm được trồng tập trung tại các huyện như Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan… với diện tích hơn 738 ha, sản lượng 2.680 tấn.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh như: bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho quả mận cơm Lạng Sơn; thực hiện đề tài “Nghiên cứu và bảo tồn phát triển nguồn gen mận cơm tại Lạng Sơn” trong khuôn khổ đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả từ các nhiệm vụ khoa học này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, một số cây đầu dòng có chất lượng tốt được tuyển chọn và nhân giống, phục vụ phát triển nguồn gen mận cơm. Đồng thời, quy trình thâm canh phù hợp với điều kiện sinh thái đã được xây dựng và phổ biến đến nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả.

Tuy nhiên, dù năng suất và chất lượng quả được cải thiện nhưng giá trị kinh tế từ cây mận cơm vẫn còn thấp. Những năm gần đây, tình trạng được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên. Năm 2022, giá thu mua tại vườn chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân không muốn thu hái. Năm 2025, thời tiết khô hạn khiến quả nhỏ, mẫu mã không đồng đều, giá thu mua phổ biến chỉ ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg, cao nhất đầu vụ cũng chỉ đạt 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, để người trồng có lãi, giá bán cần đạt ít nhất 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Chị Long Thị Ngoan, thôn Tồng Liền, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Vườn nhà tôi có khoảng 200 gốc mận cơm. Gia đình đã chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng quả khá ổn định. Mọi năm thu nhập từ vườn mận hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay vừa mất mùa vừa giá thấp nên tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với công chăm bón.

Một trong những khó khăn lớn hiện nay là thời gian thu hoạch mận cơm ngắn, chỉ kéo dài khoảng 15 ngày. Do quả mận chỉ bảo quản được 3 – 5 ngày sau khi hái nên người dân gặp nhiều áp lực trong tiêu thụ. Nếu không tiêu thụ kịp thời, mận sẽ bị héo hoặc chín mềm, làm mất đi độ giòn, tươi đặc trưng. Thực tế cho thấy, chế biến sâu là hướng đi tất yếu để kéo dài thời gian sử dụng, gia tăng giá trị và giải quyết đầu ra cho quả mận cơm. Một số hộ dân đã bước đầu thử nghiệm chế biến như làm ô mai, mận ướp, mứt mận… Tuy nhiên, do thiếu thiết bị bảo quản lạnh và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc chế biến mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa trở thành sản phẩm hàng hóa bền vững.

Bà Mông Thị Dương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: xã có 413 hội viên thì 100% đều trồng mận cơm. Những năm giá mận xuống thấp, nhiều chị em đã tìm tòi, thử chế biến thành sản phẩm như mận ướp chua ngọt, ô mai, mứt... Tuy nhiên, do thiếu tủ mát, tủ đông nên việc bảo quản rất khó khăn, không thể chế biến với số lượng lớn và giữ sản phẩm được lâu.

Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hiện nay mận cơm chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, chưa qua chế biến. Trước thực tế đó, sở đang triển khai nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm kéo dài thời gian bảo quản và phát triển các sản phẩm chế biến từ quả mận cơm, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng đặc trưng của tỉnh này. Trong đó phối hợp với các đơn vị sản xuất lựa chọn máy móc phục vụ chế biến phù hợp; nghiên cứu các phương pháp chế biên sâu để kéo dài thời gian bảo quản mận cơm... làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ khoa học phù hợp.

Thực tế này cho thấy cần sớm có sự đầu tư bài bản vào công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố cần hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sơ chế, chế biến tại chỗ; hướng dẫn kỹ thuật bảo quản; kết nối với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm từ mận cơm như nước ép, siro, mứt, sấy dẻo, rượu mận… Những sản phẩm này không chỉ giúp tiêu thụ sản lượng lớn mà còn gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ. Việc tổ chức các hội chợ, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cũng rất cần thiết để mở rộng thị trường cho sản phẩm mận cơm Lạng Sơn.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/che-bien-sau-huong-di-tat-yeu-de-nang-cao-gia-tri-qua-man-com-5046274.html