Đề nghị áp dụng thuế môi trường theo hành vi tiêu dùng

Cùng với việc thí điểm khu dân cư không khói, giảm đốt rác, giảm khí thải xe máy; hạn chế xe máy cũ, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sạch để kiểm soát ô nhiễm không khí, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị áp dụng thuế môi trường theo hành vi tiêu dùng như xe cũ, bếp than, túi nilon; giảm thuế đóng góp nếu thực hiện nhiều hành vi tiêu dùng xanh…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.

Ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế xã hội.

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ KHIẾN MÔI TRƯỜNG SỐNG ĐÔ THỊ TRỞ NÊN NGỘT NGẠT HƠN

Theo Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ô nhiễm không khí đang tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội và vùng phụ cận) và phía Nam (trung tâm là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận). Trong đó, bụi mịn PM2.5 – loại hạt cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tuần hoàn – đang là tác nhân chính gây hại sức khỏe cộng đồng.

Nguồn phát thải chủ yếu gồm bốn nhóm, hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải) và sinh hoạt dân sinh. Dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 8/2019 - 7/2020, bụi cuốn lên từ đường, giao thông và xây dựng đóng góp tới 17% nồng độ PM2.5 tại Hà Nội. Trong khi đó, công nghiệp chiếm tới 29% lượng phát thải PM2.5 vào năm 2015, theo báo cáo của WB năm 2022.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, khói mù, bụi mịn là các tác nhân gây ô nhiễm không khí khiến cho môi trường sống đô thị trở nên ngột ngạt hơn. Ô nhiễm không khí đang hiển hiện ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác, thậm chí len lỏi ở các khu đô thị vệ tinh, vùng nông thôn…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân chính gây ra khói mù, ô nhiễm không khí là giao thông đô thị, ô tô cũ, xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đạt tiêu chuẩn khí thải, kẹt xe, nổ máy lâu, tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời tập trung ở vùng ven đô và vùng nông thôn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại các đô thị.

Ngoài ra, việc thiếu giải pháp thu gom, xử lý rác tại nguồn; nhà máy xi măng, nhiệt điện, vật liệu xây dựng phát thải không qua xử lý hoặc giám sát yếu; xe tải vận chuyển vật liệu không che chắn, gây bụi; thiếu không gian cây xanh, mặt nước, đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt, thiếu hành lang thông gió… cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, quản lý và giám sát môi trường còn nhiều yếu kém, thiếu hệ thống cảm biến chất lượng không khí diện rộng; thiếu cơ chế phản ứng, thiếu chế tài đủ sức răn đe…

CÀNG HÀNH ĐỘNG SỚM, CÀNG HẠN CHẾ MỨC ĐỘ THIỆT HẠI, TIẾT KIỆM CHI PHÍ THỰC HIỆN

Từ những hạn chế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tiếp tục rà soát nội dung, đánh giá kết quả thực hiện các Quyết định của Chính phủ về quản lý chất lượng không khí trong thời qua. Thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí thường xuyên, liên tục, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng không khí, kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí tại các đô thị theo thời gian thực để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Cùng với đó rà soát, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia. Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND Tp. Hà Nội, UBND Tp. Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung kiến nghị có đủ luận cứ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổ chức đoàn giám sát thực tế và tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, nhận diện, làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, kiến nghị giải pháp hành động nhằm cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Về cách tiếp cận, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở cần chuyển từ cảnh báo ô nhiễm sang nuôi dưỡng không khí; phát động mỗi trường học một hàng cây, mỗi nhà một mái xanh; thí điểm khu dân cư không khói, giảm đốt rác, giảm khí thải xe máy; hạn chế xe máy cũ, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sạch; chuyển đổi đốt rơm, rạ, rác thải sang mô hình phân hủy, tái sử dụng tại nguồn.

Cùng với đó cần phát triển giao thông công cộng, mở rộng vùng đi bộ, xe đạp; tăng cây xanh đô thị, quy hoạch hành lang gió và mặt nước; vận động hộ gia đình không đốt rác, sử dụng vật liệu xanh, phân loại rác….

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị áp dụng thuế môi trường theo hành vi tiêu dùng như xe cũ, bếp than, túi nilon; giảm thuế đóng góp nếu thực hiện nhiều hành vi tiêu dùng xanh.

“Chúng ta hãy truyền cảm hứng bằng những câu chuyện cá nhân có thật thay vì khẩu hiệu chung chung. Một thành phố không còn khói mù là một thành phố không chỉ sạch bầu trời mà còn sáng cả trong cách nghĩ. Hành động hôm nay để mai này con cháu chúng ta không cần đeo khẩu trang đi học”.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ: ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy: càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế và chi phí thực hiện càng tiết kiệm.

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng không khí của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật liên quan ngày càng được hoàn thiện; các công cụ quan trắc, kiểm kê nguồn thải đã bắt đầu được triển khai; hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tiếp thu các ý kiến để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai hai nhóm giải pháp trọng tâm.

Với nhóm giải pháp quy hoạch và đầu tư hạ tầng sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt ủng hộ việc triển khai thử nghiệm “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và hoàn toàn có thể nhân rộng ra TP. Hồ Chí Minh cũng như các đô thị lớn khác.

Với nhóm giải pháp về kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải theo hướng nghiêm ngặt hơn. Xây dựng lộ trình giảm phát thải, kiểm kê nguồn thải, thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống giao thông xanh, sử dụng năng lượng sạch. Việc đầu tư vào hệ thống quan trắc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo, cảnh báo chất lượng không khí là xu hướng tất yếu và cần được đẩy mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, trong đó có hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng. Bên cạnh đó cần huy động đa dạng các nguồn lực (nhà nước, từ khu vực tư nhân); nghiên cứu thiết lập cơ chế điều phối liên vùng, liên tỉnh về quản lý chất lượng không khí…

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-nghi-ap-dung-thue-moi-truong-theo-hanh-vi-tieu-dung.htm