Đề nghị bỏ quyền 'thu hồi' văn bản của HĐND và UBND

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Tham gia góp ý về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại các Điều 16, 19 và 22 đều có nội dung quy định về việc HĐND các cấp bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quyền thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.

Tương tự, tại các Điều 18, 21 và 24 của dự thảo Luật cũng có quy định về việc Chủ tịch UBND có quyền thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.

Nội dung quy định về việc HĐND và Chủ tịch UBND các cấp đều có quyền thu hồi văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang trình Quốc hội thì việc xử lý văn bản trong trường hợp không phù hợp hoặc trái pháp luật chỉ bằng các hình thức đình chỉ, tạm đình chỉ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ mà không có hình thức thu hồi.

Do đó, ĐBQH Lại Thế Nguyên đề nghị bỏ quyền “thu hồi” văn bản của HĐND và UBND. Bởi, trên thực tế khi ban hành văn bản đã phát hành, thấy trái pháp luật hoặc không còn phù hợp thì phải ngưng, chấm dứt, bãi bỏ để kết thúc giá trị pháp lý của nó chứ không phải dùng biện pháp cơ học là “thu hồi”.

ĐBQH Lại Thế Nguyên đề nghị thảo luận phải trên cơ sở đới chiếu giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự thống nhất giữa các văn bản luật.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu tại tổ.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu tại tổ.

Tham gia góp ý về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với sự cần thiết tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ.

Góp ý tại Điều 6 về nguyên tắc phân định thẩm quyền, ĐBQH Mai Văn Hải cơ bản thống nhất với 7 nguyên tắc được nêu trong dự thảo Luật, đồng thời cho rằng đây là những nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, ở nguyên tắc 2 trong dự thảo Nghị quyết có nêu là trách nhiệm phối hợp của Chính phủ với các cơ quan trong lĩnh vực tư pháp, cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, ĐBQH Mai Văn Hải đề xuất nên bổ sung nguyên tắc nữa đó là sự phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị Trung ương.

Tại Điều 8 về phân cấp, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, lần này dự thảo Luật rất mạnh dạn để phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ngành và cho các địa phương, cũng như yêu cầu phân cấp trách nhiệm của các bộ trưởng các cơ quan ngang bộ, cho các cơ quan trực thuộc bộ, cũng như các cơ quan ngang bộ. Đây là một bước tiến rất mới, song ở đây có những nội dung phân cấp chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, nếu trong Luật Tổ chức Chính phủ không quy định cụ thể nội dung phân cấp, thì đề nghị vấn đề này cần giao cho Chính phủ, giao cho các bộ quy định cụ thể các nội dung phân cấp.

Tại Điều 21 quy định về Thứ trưởng và Phó thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ. Trong đó tại Điểm 2 có quy định số lượng Thứ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ không quá 5 người, và đối với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng không quá 6 người (trừ trường hợp theo yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ). ĐBQH Mai Văn Hải có quan điểm rằng, Luật Tổ chức Chính phủ không nên quy định số lượng Thứ trưởng cũng như Phó thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ mà vấn đề này nên giao cho Chính phủ quy định là hợp lý.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia phát biểu tại tổ.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia phát biểu tại tổ.

Tham gia góp ý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết tiến hành sửa đổi Luật. Đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về vấn đề liên quan đến phân quyền, phân cấp và ủy quyền...

Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ĐBQH Mai Văn Hải đồng tình với rất nhiều nội dung về các tình huống sau khi sắp xếp phát sinh. Trong đó dự thảo đã đề cập khá đầy đủ các tình huống nhằm đưa ra các giải pháp xử lý để bộ máy sau khi được sắp xếp lại hoạt động một cách trôi chảy. Tuy nhiên bên cạnh đó, theo ĐBQH Mai Văn Hải có 2 vấn đề trong Nghị quyết chưa nêu đó là, vấn đề liên quan đến cấp phó của người đứng đầu và hướng xử lý tài sản công dôi dư.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-nghi-bo-quyen-thu-hoi-van-ban-cua-hdnd-va-ubnd-239541.htm