Đề nghị bổ sung quy định xe chở học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em
Từ thực tiễn, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH bổ sung quy định xe ô tô chở học sinh, trẻ mầm non phải có thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào dự thảo Luật TTATGTĐB.
Chưa ghi nhận oan sai về nồng độ cồn sinh học
Sáng 11/6, tại Phiên họp thứ 34, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới nêu rõ, ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật TTATGTĐB, cơ bản các ý kiến đều tán thành với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Theo ông Lê Tấn Tới, các vị ĐBQH đã góp ý về các điều, khoản cụ thể của dự thảo luật. Các nội dung góp ý đều được giải trình, tiếp thu đầy đủ. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, giữ nguyên số chương và số điều; đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật của 75 điều, giữ nguyên nội dung của 14 điều.
Nêu một số vấn đề lớn nhằm hoàn thiện dự thảo Luật TTATGTĐB, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, về quy định về cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (khoản 2 Điều 10): Thường trực UBQPAN đề nghị, UBTVQH cho tiếp tục thực hiện quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng CSGT thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.
Trừ điểm GPLX là cần thiết và phù hợp
Về quy định đấu giá biển số xe (Điều 38): Thường trực UBQPAN cho rằng, biển số xe đưa ra đấu giá là tất cả biển số xe (ô tô, mô tô) nền màu trắng, chữ và số màu đen; biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải đều được niêm yết công khai minh bạch, nhằm tạo điều kiện cho người dân lựa chọn theo nhu cầu, sở thích.
Dự thảo Luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại tại khoản 6 Điều 38. UBTVQH đã chỉ đạo loại trừ quy định đấu giá biển số xe trong Luật Đấu giá tài sản, theo đó tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định: "việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ". Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật.
Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58): Thường trực UBQPAN thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGTĐB đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật TTATGTĐB là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Ngoài ra, Chủ nhiệm UBQPAN cũng nhấn mạnh, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật.