Đề nghị công bố nguyên nhân chậm trễ các dự án tại TPHCM

TS Trần Du Lịch đề nghị, TPHCM cần công bố các dự án đang chậm trễ thủ tục và nguyên nhân chậm trễ nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 3/3, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 năm 2023.

 TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại phiên họp ngày 3/3

TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại phiên họp ngày 3/3

Tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, kinh tế của thế giới hiện đã sáng sủa hơn so với dự báo cuối năm ngoái, các nền kinh tế lớn không rơi vào cảnh suy thoái, song vẫn còn tình trạng trì trệ, suy giảm.

Theo ông, sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao sẽ là những thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của cả nước trong năm nay.

TS Trần Du Lịch chỉ ra, các doanh nghiệp đang chờ động thái của Chính phủ nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng. Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TPHCM.

"Theo chương trình phục hồi kinh tế, năm 2022 là năm phục hồi, năm 2023, 2024, 2025 có ý nghĩa tăng tốc. Nếu năm nay chúng ta không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5% thì khó khăn sẽ chồng chất năm sau”, ông Trần Du Lịch nêu.

Dự báo những khởi sắc cho nền kinh tế TPHCM sẽ chưa đến trong nửa đầu năm 2023, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh việc thành phố cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại.

Theo đó, UBND cần giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố và đề ra các biện pháp để thúc đẩy. Các ngành cần tập trung là thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.

Nếu trong tháng 5 tới, Quốc hội kịp ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 54, ông Trần Du Lịch cho rằng sẽ giúp TPHCM giải quyết được điểm nghẽn về thể chế, tạo sức bật cho thành phố vươn lên.

Đối với các dự án bất động sản trên địa bàn, TS Trần Du Lịch đề nghị, UBND TPHCM giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, thể hiện kỷ luật công vụ.

Vị chuyên gia cũng đề nghị thành phố giao Sở LĐ-TB&XH đánh giá lại tình trạng công nhân bị mất việc, giảm việc làm nhằm có phương án hỗ trợ hiệu quả.

"Trong tình hình hiện nay, những việc làm cụ thể của thành phố là rất quan trọng. Ngoài ra, thành phố cũng rất cần các động thái từ Chính phủ cho thành phố để giữ vững được niềm tin của thị trường, doanh nghiệp, khơi thông các điểm nghẽn để phát triển", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nói về giải pháp sắp tới, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành tổng hợp các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp đặt ra trong các buổi gặp gỡ và tập trung giải quyết trong tháng 3. Những việc cần thời gian kéo dài phải chỉ ra cách giải quyết.

Ông đề nghị Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường tập trung giải quyết khó khăn với các dự án bất động sản. Việc này theo ông Mãi sẽ tác động lan tỏa rất lớn nên cần tập trung hơn, ngồi lại để đánh giá và có hành động quyết liệt kịp thời.

“Chúng ta phải làm như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm với TPHCM về nghị quyết thay thế nghị quyết 54, với tinh thần làm ngày làm đêm, bàn sao tạo được sự thống nhất. Có như vậy mới có niềm tin, mới có tác động tích cực", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319.000 lượt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%); khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%.

TPHCM cũng thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng 5,95%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.

Mặc dù tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng giảm mạnh về số đăng ký so với cùng kỳ (giảm 42,7%). Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1%, số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%.

Đặc biệt, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022 khiến áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3 năm 2023.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-cong-bo-nguyen-nhan-cham-tre-cac-du-an-tai-tphcm-post237673.html