Đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT, tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Chủ tịch Tiểu ban Thuế thuộc EuroCham ông Thomas McClelland cho rằng, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đang bị chậm hoàn thuế VAT vì vậy cần sửa đổi quy định của Luật Thuế VAT để đẩy nhanh việc hoàn thuế, tạo điều kiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư mới.

Theo ông Thomas McClelland, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang có 2 mối quan tâm cấp bách về thuế ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và bền vững của mình là tăng tốc hoàn thuế VAT và thuế chuyển nhượng vốn gián tiếp.

“Khả năng nhận được hoàn thuế VAT kịp thời là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời kỳ kinh tế bất ổn, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và tính liên tục kinh doanh. Mặc dù chúng tôi nhận thấy những cải tiến gần đây của cơ quan thuế, nhưng vẫn còn những thách thức”, ông Thomas McClelland nói.

Đồng thời chỉ rõ, những trở ngại chính mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải bao gồm: một số khoản hoàn thuế VAT bị trì hoãn do tham khảo các quy định phi thuế, chẳng hạn như giấy phép xây dựng hoặc các yêu cầu không rõ ràng đối với xuất khẩu tại chỗ. Đối chiếu hóa đơn VAT đầu vào kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh tình trạng nhà cung cấp rất lâu sau khi giao dịch đã xảy ra. Hướng dẫn nộp thuế VAT không nhất quán, cách giải thích khác nhau dẫn đến việc sửa đổi nhiều lần, trì hoãn việc hoàn thuế.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trước tình trạng trên, EuroCham khuyến nghị cơ quan thuế, hướng dẫn rõ ràng, đồng bộ về điều kiện hoàn thuế VAT và thủ tục hành chính. Sửa đổi các quy định trong nghị định hướng dẫn Luật thuế VAT sửa đổi để đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT, tạo điều kiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư mới.

Đối với thuế chuyển nhượng vốn gián tiếp và giảm thuế theo hiệp định, theo Chủ tịch Tiểu ban Thuế thuộc EuroCham, khung pháp lý hiện hành của Việt Nam đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp vẫn còn chưa rõ ràng. Việc áp dụng thuế một cách rộng rãi, bao gồm cả các giao dịch thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài, đang tạo ra sự thiếu chắc chắn và gia tăng gánh nặng cho nhà đầu tư.

Cụ thể, thiếu phương pháp xác định thu nhập chịu thuế rõ ràng. Khả năng đánh thuế không công bằng đối với các giao dịch tái cơ cấu hoặc chuyển nhượng thua lỗ. Việc áp dụng miễn trừ hiệp định thuế không nhất quán, dẫn đến việc đề nghị áp dụng miễn trừ bị từ chối mà không có lý do rõ ràng.

Theo Chủ tịch Tiểu ban Thuế thuộc EuroCham cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế từ IMF, OECD và các tổ chức toàn cầu khác. Áp dụng các trường hợp ngoại lệ đối với chuyển nhượng gián tiếp, chẳng hạn như các giao dịch không nhằm mục đích tránh thuế – tương tự như Trung Quốc, hoặc trong trường hợp công ty con tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị của công ty mẹ được chuyển nhượng – như Ấn Độ. Cung cấp hướng dẫn rõ ràng và chi tiết về việc áp dụng các hiệp định thuế và phương pháp tính thuế.

Dẫn chứng về đề xuất trên, EuroCham cho hay, một tập đoàn thực hiện tái cơ cấu nội bộ để ứng phó với những biến động kinh tế toàn cầu thông qua một cơ cấu hiệu quả hơn, nhưng không làm thay đổi cổ đông cuối cùng của pháp nhân tại Việt Nam. Việc áp thuế lên từng giao dịch chuyển nhượng, dù không phát sinh lợi ích kinh tế thực sự, có thể trở thành rào cản đối với quá trình tái cơ cấu toàn cầu.

Hoặc tập đoàn đa quốc gia (MNC) đang đối mặt với những thách thức trong kinh doanh. Một giải pháp là công ty mẹ cuối cùng chuyển vốn cho một nhà đầu tư thiểu số, bên này chia sẻ công nghệ, đào tạo và đội ngũ nhân sự có trình độ cao. Việc đánh thuế các giao dịch chuyển nhượng gián tiếp phần sở hữu thiểu số có thể tạo ra chi phí đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đầu tư cũng như khả năng duy trì hoạt động kinh doanh toàn cầu và tại Việt Nam.

“Tính minh bạch và hiệu quả trong chính sách thuế đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hàng đầu. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ưu tiên thực hiện các cải cách này, nhằm bảo đảm một môi trường thuế công bằng, minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư”, Chủ tịch Tiểu ban Thuế thuộc EuroCham khẳng định.

Liên quan tới hoàn thuế VAT, Cục Thuế cho biết, 3 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã ban hành 3.911 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền hoàn thuế đã hoàn là 31.128 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.

Cục Thuế thừa nhận, theo phản ánh của người nộp thuế, tại một số địa phương, tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian theo quy định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Thuế yêu cầu Chi cục trưởng các Chi cục Thuế khu vực, Trưởng các Ban, đơn vị thuộc Cục Thuế tổ chức rà soát các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các dự án đầu tư trên địa bàn. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay từ khâu kê khai thuế, lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, tránh để người nộp thuế gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT còn tồn đọng. Phân loại hồ sơ theo nhóm đối tượng, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử,… Xác định rõ khó khăn, vướng mắc và thời hạn giải quyết từng hồ sơ.

Bố trí đầy đủ nhân lực, phân công nhiệm vụ cụ thể; tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện hàng tuần. Phấn đấu đến hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ tồn quá hạn, ngoại trừ hồ sơ có rủi ro cao, có nghi vấn gian lận thuế đang xác minh, kiểm tra.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-nghi-day-nhanh-viec-hoan-thue-vat-tao-dieu-kien-cho-nha-dau-tu-d57806.html