Đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án, Viện trưởng
Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tham gia thảo luận.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Lần sửa đổi này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề xuất không quy định Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, vì sắp tới sẽ không tổ chức tòa án cấp huyện, nên không còn tính tương đồng giữa các cấp HĐND với hệ thống tòa án và viện kiểm sát.
Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, khi thảo luận tại tổ, có tới 30 ý kiến đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tại khoản 2 Điều 115 Hiến pháp hiện hành vì cho rằng, đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc.
Dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi?
Nêu ý kiến tại hội trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói, theo giải thích của Ban soạn thảo, có 2 lý do để bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
Thứ nhất, sắp tới, theo chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ không tổ chức TAND và VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Thứ hai, tuy Hiến pháp không quy định thẩm quyền chất vấn, HĐND vẫn thực hiện được thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương (bao gồm giám sát hoạt động của TAND, VKSND và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn) và HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Không đồng tình với cả 2 lý do trên, đại biểu Thúy phân tích, trong đổi mới cơ cấu sắp tới, bên cạnh TAND, VKSND khu vực, vẫn còn TAND, VKSND cấp tỉnh thì rất khó thuyết phục đại biểu HĐND cấp tỉnh và cử tri của họ: vì sao họ không còn được quyền chất vấn người đứng đầu 2 cơ quan này như Hiến pháp 2013 quy định. Còn TAND, VKSND khu vực, tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng những cơ quan đó vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà đại biểu HĐNĐ là đại diện.
“Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND? Nếu vậy thì dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ? Và nếu vậy thì trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ về việc tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ quan này”, bà Thúy nêu quan điểm.
Vẫn theo vị đại biểu Đà Nẵng, lý do thứ hai mâu thuẫn với lý do thứ nhất. Nếu đã cho rằng, TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn thì thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của HĐND đối với những cơ quan tư pháp đó ở mức nào? Phải chăng, thẩm quyền ấy chỉ ngang với thẩm quyền giám sát đối với các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn?
“Nhưng ở đây, điều đáng quan ngại nhất là lập luận đã đánh đồng các hình thức giám sát khác nhau, trong khi chúng có ý nghĩa, vai trò và hiệu lực pháp lý rất khác nhau. Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình.
Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri. Trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, nhân dân địa phương yêu cầu thông tin, trao đổi trực tiếp với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Do đó, nhận định rằng, “HĐND vẫn giám sát được” là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát”, đại biểu Thúy phát biểu.
Bà Thúy nhấn mạnh, việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nghị quyết 27 nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước. Nghị quyết cũng đòi hỏi: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Ðảng, Nhà nước và nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước”.
Dẫn thông tin từ báo chí tại 1 tỉnh, đại biểu Thúy thống kê của 3 ngành VKS, TAND và thi hành án dân sự, trong thời gian qua, tỉnh này có 28 vụ việc bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự, trong đó 11 vụ có kiểm soát viên tham gia kiểm sát xét xử (chiếm 39,2%). Trong những trường hợp như vậy, nếu đại biểu HĐND chỉ có quyền kiến nghị thì kiến nghị ấy có hiệu lực pháp lý như ý kiến chất vấn công khai trước kỳ họp HĐND không?
Vì tất cả những lý do trên, bà Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp. trên cơ sở đó luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới.
“Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cần hết sức cân nhắc
Đồng tình với đại biểu Thúy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), đại biểu hoạt động chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị hết sức cân nhắc việc bỏ thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa tham gia thảo luận.
Ông Nghĩa nêu rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011) khẳng định nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước. Nghị quyết số 27-NQ/TW đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện quyền lực nhà nước phải đặt “dưới sự giám sát của nhân dân”. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp cần tạo điều kiện tốt hơn để người dân tham gia tích cực hơn vào giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và Nhân dân. Nếu cho rằng, việc chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.
Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, chất vấn của đại biểu HĐND không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án và Viện trưởng. Việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
Hơn nữa, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, mô hình tổ chức của TAND và Viện KSND có 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án và Viện trưởng cấp tỉnh là phù hợp và khả thi, ông Nghĩa nêu ý kiến.