Đề nghị không thực hiện biện pháp tạm giam khi chưa thật sự cần thiết
Cần chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn để kết luận, công bố công khai kết luận với những vụ việc thiếu chứng cứ, không thực hiện biện pháp 'tạm giam' khi chưa thật sự cần thiết.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) của Quốc hội đã cho ý kiến về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Điều 4); nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5)
Theo Ủy ban KTTC, quy định tại Điều 4 và Điều 5 dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ về bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân của Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Ủy ban đề nghị Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành…
Có ý kiến đề nghị chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn để kết luận, công bố công khai kết luận đối với những vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng; bổ sung chế tài đối với hành vi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kéo dài, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp... Có ý kiến đề nghị không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng “tạm giam” khi chưa thật sự cần thiết.

Quang cảnh phiên họp
Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo khoản 4 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền xác định diện tích đất đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới để bảo đảm bình quân tối thiểu 20 ha/ khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Về hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công (Điều 8), Ủy ban KTTC đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo có quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng hỗ trợ cho thuê, bảo đảm công khai, minh bạch và có tính khả thi để các địa phương mạnh dạn triển khai thực hiện…
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng (Điều 9); hỗ trợ thuế (Điều 10); hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực (Điều 13); hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu (Điều 15)
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm khi triển khai thực hiện chính sách.
Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (Điều 11), Ủy ban KTTC đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất mức giá gói thầu tại dự thảo Nghị quyết là 20 tỷ đồng, dự báo tác động tích cực của chính sách để tăng tính thuyết phục. Đối với các gói thầu tư vấn có giá gói thầu là 20 tỷ đồng được coi là quy mô tương đối lớn, trường hợp không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng tiêu chuẩn sẽ phải đấu thầu lại, có rủi ro kéo dài thời gian thực hiện, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm…