Đề nghị làm rõ quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội khi ứng dụng công nghệ, AI trong kỳ họp
Cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỳ họp là một nội dung mới, đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của đại biểu để bảo đảm họ sử dụng thông tin theo đúng quy định của pháp luật, không làm lộ bí mật nhà nước, cũng như bảo đảm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Quy định cụ thể để đại biểu phát huy vai trò
Chiều 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Nêu ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ quyền và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin và AI ngày càng sâu rộng.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, tại khoản 1 Điều 3 dự thảo có quy định các trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, trong đó có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội tại kỳ họp.
Theo nữ đại biểu, điểm mới trong quy định lần này là việc đại biểu Quốc hội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI. Trong kỳ họp, đại biểu Quốc hội sử dụng các phương tiện thông tin, dữ liệu, các công cụ, thiết bị được trang bị, kể cả trợ lý ảo để phục vụ cho hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của đại biểu.
“Việc sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo là một nội dung rất mới, vì vậy, theo tôi cần quy định trong kỳ họp đại biểu có quyền gì, quyền đến đâu, quy định nào bảo đảm đại biểu được sử dụng thông tin theo đúng quy định của pháp luật và không làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật riêng tư theo quy định”, đại biểu Hạnh nêu quan điểm.
Theo bà, với nội dung này nên nhấn mạnh ở ý quyền và nghĩa vụ, đồng thời kèm theo các quy định phù hợp để bảo đảm đại biểu Quốc hội thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và phát huy được vai trò của mình.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Cũng liên quan quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị quy định rõ hơn mức độ “thường xuyên” trong việc tương tác với cử tri, đồng thời làm rõ hơn mức độ thông tin đến cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu tại kỳ họp, kèm phương thức thông tin cụ thể, thí dụ qua tin nhắn, email hay đưa thông tin hằng ngày, hằng giờ đến cử tri qua mạng xã hội.
Theo đại biểu, hiện nay, sau mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri đã có báo cáo về kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.
Do đó, bà đề nghị theo quy định mới nói trên thì cần có quy định cụ thể hơn để đại biểu thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Chấm dứt tình trạng “cận giờ mới có tài liệu”

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu một số vấn đề cần được bổ sung, làm rõ nhằm bảo đảm Nội quy kỳ họp thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong tổ chức kỳ họp một cách khoa học, dân chủ, kỷ luật và hiện đại.
Cụ thể, về thời gian, thời hạn cung cấp tài liệu kỳ họp, đại biểu nêu thực tiễn nhiều năm qua cho thấy tình trạng gửi tài liệu quá sát thời điểm thảo luận hoặc thậm chí ngay trong ngày làm việc vẫn diễn ra khá phổ biến.
Ông Bình cho rằng, việc này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu, phản biện sâu sắc của đại biểu mà còn làm giảm tính minh, bạch dân chủ và hiệu quả hoạt động nghị trường. Báo cáo của Ban soạn thảo đã ghi nhận bất cập này nhưng chưa đưa ra giải pháp, chế tài hoặc ràng buộc cụ thể khiến cho khuyến nghị có nguy cơ chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở mang tính khuyến khích.
Do vậy, đại biểu kiến nghị luật hóa ngay trong nội quy kỳ họp một mốc thời gian tối thiểu có tính bắt buộc. Cụ thể, tài liệu phục vụ kỳ họp phải được gửi đến đại biểu Quốc hội ít nhất 5 ngày làm việc trước phiên thảo luận chính thức.
Riêng đối với các dự thảo luật, nghị quyết, thời gian tối thiểu là 7 ngày, trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì phải có văn bản thông báo lý do cụ thể và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu phân tích, quy định này không chỉ tăng tính chủ động cho đại biểu trong chuẩn bị phát biểu mà còn là điều kiện để khơi thông các ý kiến có chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu các cơ quan giải trình thẩm tra.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nếu đồng thời quy định trách nhiệm công bố công khai tài liệu trên hệ thống điện tử Quốc hội thì cử tri, báo chí, giới chuyên gia sẽ có điều kiện giám sát, đồng hành và tham gia vào tiến trình lập pháp một cách thực chất.
“Vì vậy, điều này cần đóng vai trò là một kỷ luật mềm nhưng ràng buộc rõ, nhằm chấm dứt tình trạng ‘cận giờ mới có tài liệu’, từ đó từng bước nâng cao chất lượng các kỳ họp theo hướng thực chất và chuyên nghiệp hơn”, ông Bình cho hay.
Giải trình về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, liên quan tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo nghị quyết, các ý kiến đề nghị cần cải thiện triệt để tiến độ gửi hồ sơ, tài liệu đến đại biểu Quốc hội bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo ông Tùng, đây là vấn đề liên quan trách nhiệm của nhiều cơ quan và có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan khác nhau. Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp và khắc phục triệt để việc gửi chậm tài liệu đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và cải cách, bổ sung nhiều tính năng mới cho app Quốc hội để giúp đại biểu Quốc hội tra cứu, sử dụng, nghiên cứu tài liệu kỳ họp, bảo đảm đại biểu Quốc hội tiếp cận với tài liệu kỳ họp nhanh chóng, sớm nhất và kịp thời nhất.
Về các kiến nghị liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, ông Tùng cũng thông tin thêm, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ và báo cáo, tại Kỳ họp thứ 9 đã triển khai app Quốc hội 2.0 tích hợp trợ lý ảo và nhiều tính năng mới về công nghệ thông tin để hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong tra cứu văn bản, xây dựng các nội dung phát biểu và bảo đảm an toàn thông tin.
Trên cơ sở phản hồi của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo cũng như các phần mềm khác phục vụ tốt nhất cho đại biểu Quốc hội.
Trong đó, có cả việc tiếp nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu vắng mặt cũng như tại hội trường mà chưa kịp phát biểu để tổng hợp và bảo đảm các ý kiến đóng góp này đều có giá trị như nhau.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng khẳng định, trên thực tiễn triển khai sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định thực tế hơn, những vấn đề pháp lý có liên quan, nếu cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi khi xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện nội quy kỳ họp vào thời điểm thích hợp.