Đề nghị loại khỏi quy hoạch dự án thủy điện chậm tiến độ gần 10 năm
Hai dự án thủy điện tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) chậm tiến độ gần 10 năm nên chính quyền địa phương đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, loại khỏi quy hoạch các dự án này.
Ngày 5/7, ông Thái Văn Tưởng - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết, địa phương đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và kiến nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch dự án thủy điện Đăk Ruồi 2 và Đăk Ruồi 3.
Cụ thể, địa phương đề nghị UBND tỉnh Kon Tum không thống nhất điều chỉnh tiến độ dự án; quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án thủy điện Đăk Ruồi 2 và Đăk Ruồi 3. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương loại bỏ 2 dự án thủy điện nói trên ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Kon Tum.
Trên cơ sở đó, giao các sở, ngành phối hợp với UBND huyện Đăk Glei tiếp tục thực hiện chính sách kêu gọi thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác có hiệu quả hơn; rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đất đai và các quy hoạch ngành có liên quan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án thủy điện Đăk Ruồi 2 (công suất 14 MW) và Đăk Ruồi 3 (công suất 3 MW) được UBND tỉnh Kon Tum cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần thủy điện VRG Ngọc Linh (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) năm 2011, tiến độ thực hiện đến năm 2014 hoàn thành dự án với tổng mức đầu tư là 511,5 tỷ đồng.
Hết năm 2014, các dự án này vẫn chưa hoàn thành nên được cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cho gia hạn đến hết năm 2021. Trong các nội dung gia hạn có yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 12/2021 phải đưa dự án vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chỉ mới thi công hạng mục lưới điện phục vụ thi công công trình, đường giao thông phục vụ thi công và các khu phụ trợ khác. Đơn vị chủ đầu tư chưa triển khai thi công các hạng mục chính của dự án nên dự án vẫn chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng như yêu cầu. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân nằm trong vùng dự án, nhiều tài sản, đất đai không sử dụng trong thời gian dài gây lãng phí rất lớn.
Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Glei, trong năm 2022, địa phương tiếp nhận đề nghị của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đến tìm hiểu, khảo sát, xem xét đầu tư. Tuy nhiên, nhiều vị trí khảo sát trùng với phạm vi triển khai 2 dự án thủy điện nêu trên nên việc thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác có tiềm năng của địa phương gặp nhiều khó khăn…
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thông tin, các nội dung liên quan đến dự án thủy điện Đăk Ruồi 2 và Đăk Ruồi 3 đã được địa phương đề xuất từ tháng 4/2022 và kiến nghị tại nhiều cuộc họp.
“Gần đây nhất, vào ngày 11/5, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy, địa phương cũng đã kiến nghị các nội dung này”, ông Tưởng thông tin thêm.
Liên quan đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tại Kết luận thanh tra số 1595/KL-TTCP ngày 14/9/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật… trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xác định: Việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, đất rừng. Mặc dù năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng, lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch nhưng chưa thực hiện triệt để (sau thời điểm ban hành văn bản vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch).
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện nhỏ và vừa nhằm tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng.