Đề nghị 'luật hóa' quy định khen thưởng cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, có cách làm đột phá, hiệu quả cao vì lợi ích chung.

Đề xuất bổ sung quy định khen thưởng cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra chiều 28/3, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến tại hội nghị.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến tại hội nghị.

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chưa có quy định cụ thể nào về việc khen thưởng những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

ĐB Mai Thị Phương Hoa cho rằng, đó đều là những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm hay, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho biết, trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã có đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, vì lợi ích chung.

“Tôi cho rằng, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, cần phải được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu “chùng xuống”, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm.

Có rất nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng tôi cho rằng khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh và đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Không quy định tiêu chuẩn quá “cứng” về thời gian tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị không quy định tiêu chuẩn quá “cứng” về thời gian khi tặng hay truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

"Nhiều trường hợp tham gia thanh niên xung phong chưa đủ thời gian đã hy sinh như chị Trần Thị Rạm (1 trong 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc), sẽ không được truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang. Nhiều trường hợp khác cũng tương tự" - ĐB Đỗ Thị Lan nêu dẫn chứng.

Theo quan điểm của nữ ĐBQH này, nên linh hoạt về thời gian tham gia thanh niên xung phong, về các điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, Huy chương Thanh niên xung phong. Có thể có quy định riêng cho những trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thi đua khen thưởng trước đây tuy đã có quy định đối với người lao động trực tiếp: Công nhân, nông dân...nhưng đối tượng chưa đầy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp. Vì vậy tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Tôi đồng tình với việc sửa đổi tiếp thu đầy đủ hơn của ban soạn thảo, đặc biệt bổ sung đối tượng khen thưởng, ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Theo ĐB Bùi Hoài Sơn, dự thảo quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động trực tiếp, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, vật chất với cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại nhiều giá trị phát triển cho kinh tế - xã hội đất nước./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-nghi-luat-hoa-quy-dinh-khen-thuong-can-bo-dam-dot-pha-vi-loi-ich-chung-20220328180753244.htm