Đề nghị quy định tiêu chí giám khảo, tránh tình trạng nhà thơ đi chấm văn xuôi

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.

Đây là khẳng định của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại Hội thảo lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 4/4, có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học bao gồm 7 chương, 34 điều, quy định về khuyến khích phát triển văn học bao gồm: Hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại viết, sáng tác, cuộc thi viết, sáng tác; trao giải thưởng; giới thiệu, quảng bá, phổ biến văn học. Theo PGS.TS Tạ Quang Đông, việc xây dựng Nghị định này không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn là một đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo nghệ thuật.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội thảo.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội thảo.

Cụ thể, ông Đông cho rằng, khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học cũng đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Các nền tảng xuất bản điện tử, sách số, văn học mạng, trí tuệ nhân tạo… đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho người cầm bút. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn học nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những khoảng trống và thách thức. Đó là chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo ra được nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng rộng rãi. Hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn còn hạn chế, khiến nhiều tác phẩm hay chưa đến được với đông đảo công chúng trong và ngoài nước…

Dự thảo Nghị định lần này là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của văn học Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn trao đổi, thảo luận sâu sắc giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà xuất bản, nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nhằm đóng góp ý kiến xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, khả thi và thực sự có tác động thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững.

Nên xem xét quy định về tổ chức cuộc thi viết, trại sáng tác

PGS. TS Phạm Xuân Thạch đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực.

Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương khuyến khích phát triển văn học của Ban soạn thảo Nghị định, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung cần tiếp tục xem xét điều chỉnh. Đáng chú ý, PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng các quy định về hỗ trợ đầu tư cho hoạt động văn học, tổ chức trại viết, sáng tác văn học; cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học… tạo ra sự phức tạp trong quy định, đồng thời làm phát sinh vấn đề về quản lý Nhà nước. Nếu các đơn vị tổ chức cuộc thi hay trại viết cấp quốc gia, cấp địa phương đều phải thông báo với cơ quan quản lý tương ứng thì sẽ phải có nguồn nhân lực để đọc duyệt những thông báo. Vì vậy, Ban soạn thảo nên xem xét điều này có cần thiết hay không bởi lâu nay không cần có sự thông báo này thì những thực thể tổ chức các hoạt động nói trên vẫn đang tự chịu trách nhiệm rất tốt về hoạt động của mình.

Theo ông Thạch, thay vì quy định phải phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định chỉ cần quy định về việc thông báo thông tinh công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông chính thống về các hoạt động nói trên là đủ. Bên cạnh đó, cần thiết kế được chính sách để huy động được nguồn lực toàn xã hội để đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại viết, sáng tác; tổ chức thi viết, sáng tác và giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học. Nhiều quan điểm khác của PGS.TS Phạm Xuân Thạch cũng được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đồng tình. Cụ thể là Nghị định nên mở rộng Nhà nước đầu tư, hỗ trợ các tác phẩm có khuynh hướng tiến bộ, tích cực trong đời sống thay vì chỉ hỗ trợ các tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nên xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn học.

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cần có những chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển văn học và Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà văn sáng tác, phổ biến tác phẩm. Việc tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia là cần thiết nhưng cũng cần chú ý để không trùng với một số giải thưởng khác. Nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng kiến nghị, đối với các cuộc thi viết, nên quy định rõ hơn về tiêu chí giám khảo, tránh tình trạng nhà thơ chấm tác phẩm văn xuôi…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/de-nghi-quy-dinh-tieu-chi-giam-khao-tranh-tinh-trang-nha-tho-di-cham-van-xuoi-i764112/