Đề nghị tăng quyền cho Chủ tịch tỉnh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn phạm vi, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, cần quyết định nhanh; phân định minh bạch trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tăng quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tăng quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ảnh: Quochoi.vn.

Thảo luận tại hội trường sáng 14/5/2025 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dựthảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

TĂNG QUYỀN CHO CHỦ TỊCH TỈNH ĐỂ XỬ LÝ CÔNG VIỆC HIỆU QUẢ HƠN

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được quy định tại khoản 1 Điều 4 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Theo quy định tại dự thảo Luật, Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

“Đây là nguyên tắc chủ đạo, đang được quy định và áp dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, cần tăng cường vai trò cá nhân người đứng đầu. Đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, cần quyết định nhanh, trong quản lý hành chính, dịch vụ công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cần có thẩm quyền phân công, kiểm tra và xử lý kịp thời, không bị lệ thuộc hoàn toàn vào tập thể”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến.

Vì vậy, cần rõ hơn phạm vi, thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phân định minh bạch trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể. Đồng thời, tăng cơ chế kiểm soát và đánh giá công vụ cá nhân, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và quản trị công.

Ngoài ra, nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền, cụ thể, tại khoản 5 Điều 16 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại biểu đề nghị xem xét quy định: “Quản lý ngân sách địa phương, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công được giao theo quy định của pháp luật”.

Hướng bổ sung là giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân để bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công việc chung của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, do các nội dung liên quan đến ngân sách đều được đưa ra Hội đồng nhân dân xem xét quyết nghị.

Đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung việc đẩy mạnh ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cho các sở, ngành, giám đốc sở, ngành chuyên môn, không chỉ ủy quyền cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như dự thảo nêu.

“Thực tế hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng đã thực hiện việc ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho giám đốc các sở, ngành. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể trong luật vừa bảo đảm cụ thể, chi tiết, vừa góp phần thúc đẩy yêu cầu về phân cấp, phân quyền theo quy định hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà góp ý.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cũng đề cập nội dung Điều 17 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tại khoản 13 có quy định: Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết…”.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định trong trường hợp vượt thẩm quyền. Bởi theo đại biểu, pháp luật có thể quyết định nhưng có những điều pháp luật không quy định, ngoài quy định của pháp luật nhưng vượt thẩm quyền lại là việc khác. Vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung thêm nội dung này cho phù hợp.

TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP TỈNH

Cũng quan tâm về nội dung trên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng cần thiết phải bổ sung vào dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành.

Do đó, đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi.vn.

Về phân quyền, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cũng nhất trí với quy định của dự thảo Luật, cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu nhận xét dự thảo Luật chưa có quy định về việc xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh. Do đó, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ, sau khi được đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân quyền như đã được quy định tại khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật về phân cấp. Từ đó, để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn thực hiện.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-nghi-tang-quyen-cho-chu-tich-tinh-khi-thuc-hien-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap.htm