Đề nghị tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong...
Tiêu chí phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp quá cao
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vấn đề thẩm tra, thẩm định phòng cháy, chữa cháy, phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Cơ bản tán thành với dự thảo Luật, song đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, nếu tách phòng cháy, chữa cháy rừng ra khỏi Luật này có thể dẫn đến 3 hệ quả.
Một là, chế độ, chính sách của những lực lượng phòng cháy, chữa cháy là khác nhau. Hai là, vô hình chung hình thành hai lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Ba là, việc tách ra có thể mất đi hai hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà có thể hỗ trợ được cho nhau.
Do đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị, cần tính toán, xem xét lại theo hướng nên tách ra tốt hơn hay kết hợp lại để tạo thành một lực lượng mạnh hơn với trang thiết bị đầy đủ hơn cho toàn bộ hệ thống.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng góp ý, thực tế hiện nay có 2 vấn đề nổi lên. Một là việc cháy nổ ở các chung cư mini, nhà ở kết hợp với kinh doanh, nhà ống nhiều hơn. Hai là, hiện nay tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp quá cao.
Thực tế hiện nay, đại biểu cho hay, tiêu chuẩn, tiêu chí quá cao nên doanh nghiệp rất sợ làm phòng cháy, chữa cháy. Có những doanh nghiệp đầu tư chi khoảng 1 tỷ đồng, nhưng nếu theo tiêu chuẩn, tiêu chí hiện tại thì phòng cháy, chữa cháy mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư.
“Chúng tôi đang đánh giá tiêu chuẩn, tiêu chí nhà ở trong thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển lâu đời, đường sá nhỏ hẹp, nhà ống nhiều thì tiêu chuẩn, tiêu chí có khi lại thấp, bên doanh nghiệp thì lại cao quá”, đai biểu nói.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn tỉnh Lào Cai) cho rằng việc thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là điều hết sức cần thiết để các tổ chức và cá nhân tuân thủ theo các quy định, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn này đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân cũng như của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ví dụ ở các địa bàn miền núi vùng cao để làm một trường học từ các tỉnh lộ, huyện lộ đến trường vài cây số, suất đầu tư cho một trường học là 5-7 tỷ đồng, nhưng để mở được đường đảm bảo theo yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy vào tiếp cận được, có khi phải mất hàng chục tỷ đồng, như vậy sẽ rất lãng phí nguồn lực của Nhà nước, trong khi đó có thể có các phương án khác thay thế trong việc mở rộng các tuyến đường để tiếp cận trong một công trình.
Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) tán thành rất cao với nội dung về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh quy định “khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở". Bởi vì trong thực tế vừa qua ở các vụ cháy và nơi diễn ra cháy nổ thì bao gồm cả khu vực để ở và không có sự ngăn cách.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải tính lộ trình như thế nào cho phù hợp và quy định một cách chặt chẽ. Vì còn phụ thuộc vào điều kiện về kinh tế của các hộ kinh doanh, trường hợp chủ hộ kinh doanh không có nhà ở khác để lưu trú và diện tích quá nhỏ, không thể ngăn cách giữa khu vực kinh doanh với khu vực để ở thì phải có phương pháp để tháo gỡ...
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) cho biết, dự thảo Luật quy định bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, cần xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị" vào trước cụm từ "lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bám sát địa bàn cơ sở".
Vì thực tiễn cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong.
Mặt khác, phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng này được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu và thực tế đòi hỏi hiện nay. Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, nếu ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã...