Đề nghị thu hồi quyết định công nhận một số điểm du lịch trên địa bàn Lào Cai

Đây cũng là cảnh báo cho các địa phương trong tỉnh cần quan tâm, đầu tư cho các điểm du lịch, bởi để công nhận được một điểm du lịch mất rất nhiều công sức từ khảo sát đến xây dựng hồ sơ, thẩm định…

Một góc huyện Mường Khương (Lào Cai). (Ảnh minh họa: Hương Thu/TTXVN)

Một góc huyện Mường Khương (Lào Cai). (Ảnh minh họa: Hương Thu/TTXVN)

Sau khi kiểm tra 27 điểm du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai vừa có đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch đối với một số điểm trên địa bàn.

Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đề nghị, thu hồi Quyết định số 1790/QĐ-UBND, ngày 27/6/2008 về việc công nhận điểm du lịch và tuyến du lịch địa phương thuộc huyện Mường Khương.

Cụ thể là điểm du lịch Hàm Rồng (gồm hang động, thác nước Hàm Rồng và chợ phiên trung tâm huyện Mường Khương), điểm du lịch Văng Leng (gồm làng văn hóa Văng Leng, xã Tung Chung Phố và hang động Nấm Oọc, xã Nấm Lư), điểm du lịch Cao Sơn (gồm chợ phiên Cao Sơn và làng nghề - làng văn hóa Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn).

Ngoài ra còn có tuyến du lịch địa phương gồm thành phố Lào Cai-Hàm Rồng-Văng Leng-Cao Sơn (thuộc huyện Mường Khương)-Cốc Ly (thuộc huyện Bắc Hà)-thành phố Lào Cai.

Sở cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai thu hồi Quyết định số 3531/QĐ-UBND, ngày 3/12/2012 về việc công nhận tuyến du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Mường Khương gồm Lào Cai-thác nước Tà Lâm-Pha Long-Tả Gia Khâu-Bản Mế-Lào Cai, Lào Cai-Lùng Khấu Nhin-thôn Mường Lum-La Pán Tẩn-bản Cầm-Lào Cai; thu hồi Quyết định số 2132/QĐ-UBND, ngày 8/7/2020 về việc công nhận điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa); thu hồi Quyết định số 2136/QĐ-UBND, ngày 8/7/2020 về việc công nhận điểm du lịch thôn Má Tra (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa).

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, có bốn nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc đơn vị phải đề nghị thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch và tuyến du lịch địa phương.

Đó là các điểm du lịch này không được đầu tư phát triển cũng như quản lý, khai thác, phát huy giá trị của điểm du lịch đã được công nhận; không duy trì đảm bảo các điều kiện của điểm du lịch được quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Du lịch và Điều 11, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch không được bổ sung hồ sơ mới theo quy định của Luật Du lịch.

Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không còn quy định tuyến du lịch nên tên gọi các tuyến du lịch trên tại các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh trước đây không còn phù hợp.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai, nếu không đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi quyết định đã công nhận thì các điểm du lịch này sẽ không đảm bảo theo quy định của Luật Du lịch, cũng như mục tiêu đề ra.

Đây cũng là cảnh báo cho các địa phương trong tỉnh cần quan tâm, đầu tư cho các điểm du lịch, bởi để công nhận được một điểm du lịch mất rất nhiều công sức từ khảo sát đến xây dựng hồ sơ, thẩm định…

Vì vậy, các địa phương đừng để các điểm du lịch chỉ có tên trên giấy.Việc công nhận các điểm du lịch và tuyến du lịch địa phương nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch; mở ra cơ hội mới cho các điểm du lịch trên địa bàn trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư...

Với mục tiêu đó, nhiều năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 33 điểm du lịch địa phương.

Trong đó, thành phố Lào Cai 4 điểm, Mường Khương 3 điểm, Bắc Hà 4 điểm, Bảo Yên 2 điểm, Bát Xát 6 điểm, Sa Pa 13 điểm, Văn Bàn 1 điểm.Theo quy định của Luật Du lịch 2017, để được công nhận là điểm du lịch, các điểm đến phải đáp ứng các điều kiện như: có tài nguyên du lịch và ranh giới xác định; kết cấu hạ tầng và dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đồng thời, đáp ứng các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Các điểm du lịch sau khi được công nhận cũng đòi hỏi việc quản lý, khai thác phải chặt chẽ và tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Du lịch.

Trong đó, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý điểm du lịch được quyền đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch; ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách; tổ chức dịch vụ hướng dẫn, cũng như quy định, quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý và được thu phí theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện tốt việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ tại điểm du lịch, tránh để xảy ra các hoạt động trái quy định, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo đảm an toàn cho du khách; tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch tại điểm đến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-nghi-thu-hoi-quyet-dinh-cong-nhan-mot-so-diem-du-lich-tren-dia-ban-lao-cai-post958882.vnp