Để người nông dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm của sự phát triển

Nhằm giúp nông dân làm chủ đồng ruộng, từ đó góp phần chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, công tác khuyến nông không ngừng được đổi mới để mang lại đa giá trị trong nông nghiệp. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Cán bộ khuyến nông đồng hành, giúp nông dân làm giàu. Ảnh: TL

Cán bộ khuyến nông đồng hành, giúp nông dân làm giàu. Ảnh: TL

Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn, sản xuất nông nghiệp đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Xin ông có thể cho biết về sự tham gia của lực lượng khuyến nông vào công tác chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua?

Dù năm qua Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, song ngành nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng và được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Kết quả đó là sự nỗ lực chung của các ngành, doanh nghiệp; sự nỗ lực tham gia của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), trong đó có lực lượng khuyến nông.

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… để từng bước giúp hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn được hưởng lợi. Những dự án khuyến nông Trung ương triển khai ở các địa phương trong cả nước thời gian qua để lại nhiều dấu ấn tích cực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; nhiều dự án, chương trình đã mở ra hướng sản xuất mới, tạo sinh kế cho người dân vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, lực lượng khuyến nông các cấp đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân, từ đó lan tỏa các mô hình, cách làm hay, hoạt động khuyến nông góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội.

Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” để người nông dân thực sự trở thành chủ thể, trung tâm của sự phát triển, hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo dựng nền “Nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững - Nông thôn hiện đại, phồn vinh - Nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật".

Trong hơn 30 năm qua, hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn là hoạt động chính của hệ thống khuyến nông nhằm trình diễn, phổ biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả tốt. Hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai hơn 30 dự án về cơ giới hóa. Các mô hình tiêu biểu như: Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cánh đồng lớn; ứng dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; mô hình tưới nước tiết kiệm... Phong trào ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 đến 20 lần; giảm 20 đến 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 đến 40% so với sản xuất đại trà...

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang thực hiện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến đa giá trị. Vậy lực lượng khuyến nông đã thay đổi ra sao để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của toàn ngành, thưa ông?

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu: Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Nói một cách dễ hiểu, chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp để người nông dân là chủ thể, ngoài sản xuất, nuôi trồng trên thửa đất của mình, nông dân còn chú trọng phát triển dịch vụ trên chính thửa đất đó để tạo ra nhiều giá trị hơn, như phát triển du lịch nông nghiệp. Đây thực sự là bước chuyển hướng mạnh mẽ sẽ làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Song để các chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, đến với từng nông dân thì không ai khác, vai trò, trách nhiệm đó thuộc về cán bộ khuyến nông.

Nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Vừa qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Đề án, các địa phương đều khẳng định, hệ thống khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt, đồng hành cùng nông dân, giúp tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Bộ NNPTNT về xây dựng vùng nguyên liệu, hoạt động khuyến nông cũng có những thay đổi tích cực, chuyển dịch từ hỗ trợ sản xuất sang dịch vụ. Tổ khuyến nông cộng đồng đã luôn đồng hành cùng tham gia vào chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo dựng chuỗi liên kết, cùng với người dân tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, tạo dấu ấn trong việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, như: vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc và đồng Tháp Mười, vùng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cà phê Tây Nguyên...

Có thể nói, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những hướng đi mới, thể hiện sự nhạy bén chuyển mình của hệ thống khuyến nông nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thực tiễn qua kiểm toán cũng ghi nhận những kết quả quan trọng ngành đạt được, đồng thời kiến nghị một số nội dung để công tác khuyến nông không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động. Xin ông có thể cho biết một số định hướng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến nông trong tình hình mới, thưa ông?

Các kết luận và kiến nghị của KTNN là rất cần thiết và hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông trên cả nước gắn với thực thi tốt chính sách về khuyến nông. Các kiến nghị kiểm toán còn góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động khuyến nông, kiến nghị chính sách phù hợp, từ đó giúp tăng cường tính bền vững và hiệu quả của chính sách, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động khuyến nông.

Xác định thông tin kiểm toán đóng vai trò quan trọng, đơn vị đã tiếp thu đầy đủ kiến nghị kiểm toán, đồng thời từ các kiến nghị kiểm toán, đơn vị sẽ nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị. Đơn vị cũng mong muốn KTNN qua kiểm toán sẽ giúp chỉ ra những vướng mắc, bất cập và kiến nghị các chính sách chưa phù hợp để các ngành chức năng phối hợp tháo gỡ, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động khuyến nông. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp thời kỳ mới, tiếng nói từ cơ quan kiểm toán với tính tác động lan tỏa và thuyết phục xã hội rất cao sẽ giúp các ngành, xã hội hiểu hơn về hoạt động khuyến nông trong việc đưa chủ trương, chính sách và thành tựu khoa học công nghệ mới đến nông dân, hướng đến cách làm mới, đột phá để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.

Cùng với việc tiếp thu các kiến nghị kiểm toán, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đổi mới không ngừng hoạt động khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, trong đó, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông để tạo thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động người nông dân chuyển hướng sản xuất, áp dụng những mô hình sản xuất mới như sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh; khai thác hiệu quả giá trị từ nông nghiệp, không chỉ trong sản xuất, mà còn trong dịch vụ nông nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững do người nông dân làm chủ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/de-nguoi-nong-dan-thuc-su-tro-thanh-chu-the-trung-tam-cua-su-phat-trien-36658.html