Để OCOP Lâm Đồng phát triển bền vững
OCOP Lâm Đồng cần có đặc trưng nổi trội lớn, quy mô hơn để hình thành những sức mạnh mới trong phát triển và tiêu thụ.
Cơ hội và thách thức mới
Những năm qua, chương trình OCOP được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

OCOP tỉnh Lâm Đồng góp phần định hình thế mạnh kinh tế nông thôn (Ảnh: Nông dân xã Quảng Phú thu hoạch lúa Viet GAP phục vụ chế biến gạo OCOP 4 sao)
Số lượng, chủng loại sản phẩm OCOP của các địa phương đều có sự phát triển gắn với những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, có thể thấy, khi có không gian mới, việc phát triển OCOP đang đặt ra một số yêu cầu, vấn đề lớn để cùng nhau lớn mạnh.
Trong đó yêu cầu tìm đặc trưng nổi trội lớn, theo quy mô tỉnh, vùng lớn hơn cũng có thể nói là một cơ hội để OCOP Lâm Đồng sắp xếp, gắn kết lại hình thành cho mình những sức mạnh mới.
Là chủ thể mới được công nhận 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2025 gồm tiêu xanh sấy thăng hoa, trái cây sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, Công ty TNHH TM XNK Sachi Thịnh Phát, phường Đông Gia Nghĩa cho biết: Đối với sản phẩm trái cây sấy thăng hoa, doanh nghiệp đã sấy rất nhiều loại trái cây khác nhau, trong đó có một số sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền khác như dâu tây, thanh long.

Sơ chế sản phẩm chuẩn bị sấy trái cây thăng hoa tại Công ty TNHH TM XNK Sachi Thịnh Phát, phường Đông Gia Nghĩa
Trong không gian phát triển mới, chị kỳ vọng một số sản phẩm của mình sẽ có được cơ hội phát triển lớn mạnh hơn qua liên kết xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao.
Công ty đã đầu tư xây dựng một nhà xưởng có diện tích 1.000m2 và nhiều thiết bị tiên tiến phục vụ quá trình sơ chế, chế biến nông sản như kho bảo quản nguyên liệu, máy bóc tách, máy sấy, máy sàng phân loại hạt, máy hút chân không.
Công ty đầu tư 3 kho đông lạnh để dự trữ, bảo quản nguyên liệu, sản phẩm và hệ thống máy sấy thăng hoa có thể sấy được 5 tấn/1 mẻ.

Hệ thống sấy trái cây thăng hoa tại Công ty TNHH TM XNK Sachi Thịnh Phát, phường Đông Gia Nghĩa
“Cơ hội gia tăng vùng nguyên liệu là lớn nhưng cũng đồng nghĩa để gia tăng được giá trị cho OCOP phải nâng cao chất lượng, phải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ vùng trồng, nhà máy, sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng, đây là một thách thức không hề nhỏ”, chị Hương khẳng định.
Là chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP 3 sao Cà phê Bốn Hiệp, ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín cho biết, nét riêng của sản phẩm cà phê Bốn Hiệp là thực hiện quy trình chế biến ướt, có những ưu điểm vượt trội hơn so với chế biến khô đó là tạo ra phẩm chất, hương vị đặc biệt, vì trải qua quá trình lên men.

Cà phê Bốn Hiệp, Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín được chế biến với một phần nguyên liệu cà phê arabica Cầu Đất trồng ở xã Xuân Trường, Xuân Thọ thuộc thành phố Đà Lạt (cũ)
Từ những cái riêng nổi bật này, nhãn hiệu sản phẩm cà phê Bốn Hiệp đã nhanh chóng được các chuyên gia thử nếm, các tổ chức trong và ngoài nước công nhận đạt chất lượng cao.
Điển hình, Trung tâm nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp châu Á (TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận cà phê Bốn Hiệp là thương hiệu mạnh ASEAN năm 2019 (ASEAN Brand Awards 2019).
Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á và Viện Khảo sát, đánh giá chỉ số cạnh tranh chứng nhận sản phẩm là “Top 10 thương hiệu mạnh đất Việt, gương mặt doanh nhân xuất sắc đất Việt lần IV năm 2019”. Năm 2023, sản phẩm cà phê Bốn Hiệp được công nhận OCOP 3 sao.
Ông Trương Công Hiệp tiết lộ thêm, nét riêng của sản phẩm OCOP 3 sao cà phê Bốn Hiệp còn ở chỗ được phối trội hài hòa giữa cà phê robusta và arabica ở Cầu Đất, thuộc xã Xuân Trường, Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt cũ.
Nơi đây có độ cao trên 1650m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp, phù hợp tạo ra những “hạt ngọc nâu” của Lâm Đồng với nhiều giá trị được giới thưởng thức cà phê toàn thế giới công nhận. Hàng năm, doanh nghiệp đều phải mua một số lượng hàng để phục vụ chế biến sản phẩm cà phê bột.

Lâm Đồng hiện có 725 sản phẩm OCOP gồm 7 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, còn lại đều là OCOP 3,4 sao cấp tỉnh
Ông Hiệp khẳng định: “Có lẽ cơ hội cho OCOP của tôi là rất lớn khi thuận lợi hơn trong liên kết nhưng cũng đồng nghĩa phải tích cực tìm ra nét riêng, đặc trưng hơn nữa, hay liên kết, phối hợp với các chủ thể khác ở các xã khác trong tỉnh để có được sản phẩm mang tính cạnh tranh cao hơn để không bị mờ nhạt trong dòng sản phẩm cà phê”.
Để làm được điều này, doanh nghiệp như ông cần có vốn lớn để mở rộng quy mô liên kết, đầu tư máy móc, công nghệ, tiếp thị sản phẩm.
5 giải pháp quan trọng
Đối với Lâm Đồng - địa phương có thế mạnh rõ nét về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hệ sinh thái sản phẩm đa dạng từ rau củ, trái cây ôn đới, cà phê, chè đến các loại dược liệu nên việc phát triển Chương trình OCOP là cơ hội lớn để định vị thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, để OCOP Lâm Đồng phát triển bền vững, vươn ra thị trường quốc gia và quốc tế, tỉnh cần bám sát định hướng chung và linh hoạt triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ đến phát triển liên kết chuỗi.
Ngày 22/6/2025, phát biểu tại hội nghị Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, OCOP đóng góp rất lớn vào kinh tế nông thôn, tạo ra các ngành hàng, giá trị gia tăng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chương trình OCOP cần tập trung vào 5 vấn đề lớn để bảo đảm tính bền vững. Đó là gia tăng giá trị nội tại gồm vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng; huy động được tốt hơn sự hỗ trợ của doanh nghiệp; tăng hàm lượng khoa học công nghệ để tạo sản phẩm nổi bật tầm quốc tế; xây dựng thương hiệu, thu hút các thương hiệu lớn đầu từ cho OCOP; bố trí nguồn vốn hợp lý để phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP, các địa phương cần tập trung rà soát, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, có liên kết chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, hỗ trợ tiêu thụ, nhất là với những sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm quốc gia.
Song song đó, ứng dụng khoa học công nghệ phải được coi là giải pháp then chốt để nâng cao giá trị, chất lượng và tính khác biệt cho sản phẩm OCOP. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu OCOP gắn với bản sắc văn hóa, lợi thế vùng miền, thu hút các thương hiệu lớn cùng đầu tư, phát triển sản phẩm OCOP quy mô lớn.
Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực tài chính hợp lý, đa dạng hóa nguồn vốn từ ngân sách, tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp và cộng đồng để hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững.
Qua thống kê ban đầu, Lâm Đồng hiện có 725 sản phẩm OCOP, gồm 7 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, còn lại đều là OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Nhìn về số lượng có thể thấy OCOP của tỉnh khá nhiều, tuy nhiên cấp quốc gia còn ít.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/de-ocop-lam-dong-phat-trien-ben-vung-290832.html