Đảm bảo xuất xứ hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt cần thắt chặt liên kết, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ.
Sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/7, nhiều doanh nghiệp dệt may đã tăng tốc sản xuất các đơn hàng đi Mỹ để kịp thời điểm này. Bên cạnh đó là đa dạng hóa thị trường sang các thị trường lâu nay dệt may Việt còn chưa khai thác hết cơ hội.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho hay: “Khi gặp khó khăn, chúng tôi khai thác hết các cơ hội từ thị trường truyền thống khác. Ngoài ra, chúng tôi phát triển thêm một số thị trường, kể cả châu Phi. Tuy nhiên, để tạo thị trường quen, cần thời gian ít nhất là 1-2 năm”.
Tính cả năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là gần 120 tỷ USD, tăng 23% so với 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi chiếm tới 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn nhận về tác động của thuế đối ứng, nhiều chuyên gia khẳng định: dù mức thuế đối ứng đàm phán về bao nhiêu, chắc chắn, tỷ lệ hàng hóa vào Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tụt giảm.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế - Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính cho biết: “Thị phần Việt Nam ở Mỹ sẽ giảm đi, cạnh tranh nhiều hơn, lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. Do đó, chúng ta phải tái cấu trúc thị trường xuất khẩu”.
Về Hiệp định thuế đối ứng giữa Mỹ và Việt Nam, nhiều chuyên gia cho biết: hàng hóa Việt muốn duy trì xuất khẩu sang Mỹ phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ. Về lâu dài, đây là cơ hội để Việt Nam định hình một nền kinh tế độc lập, tự chủ, thay vì phụ thuộc vào một vài thị trường.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhân cơ hội này, chúng ta sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế tích cực hơn và cần đảm bảo hài hòa lợi ích ngắn hạn - dài hạn.
Theo các chuyên gia, để tăng sức chống chịu, doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm nhà cung ứng nguyên liệu nội địa, thắt chặt liên kết, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bởi những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, với hàm lượng giá trị gia tăng nội địa sẽ có lợi thế hơn trong chính sách thuế quan của đối tác.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dam-bao-xuat-xu-hang-hoa-nang-cao-suc-canh-tranh-344644.htm