Để rừng liên tục bị phá, nhiều cán bộ, lãnh đạo Đắk Lắk bị kỷ luật
Thời gian qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ngày 4/4, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có báo cáo với Đoàn công tác do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu, kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng.
Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong quản lý bảo vệ rừng được nâng cao, góp phần quan trọng phát triển KT-XH, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng tại Đắk Lắk đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý hơn 6.500 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, xử lý hành chính hơn 6.100 vụ, lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ với 57 đối tượng.
So với giai đoạn 2012-2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44%. Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan, sau 5 năm, toàn tỉnh trồng được hơn 12.400 ha.
Giai đoạn qua, Đắk Lắk đã kiểm điểm, phê bình nhiều tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, 1 Chủ tịch UBND cấp huyện bị phê bình; 1 Phó Giám đốc Sở bị khiển trách; kiểm điểm, rút kinh nghiệm 1 Phó Giám đốc Sở và 9 người đứng đầu các công ty lâm nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; buộc thôi việc 2 trường hợp, cảnh cáo 15 trường hợp, khiển trách 22 trường hợp; hạ ngạch và hạ bậc lương 4 trường hợp, kiểm điểm 2 tập thể, 4 cá nhân.
Đối với xử lý hình sự, lực lượng Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, trong đó có Giám đốc, Phó giám đốc Công ty lâm nghiệp vì vi phạm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chỉ thị số 13/2017, Đắk Lắk cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Cấp ủy chính quyền một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng; Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế; Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp chưa cao…
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đề nghị đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung như: Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên; Sớm bổ sung, hoàn thiện ban hành các cơ chế chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; Ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; Nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng.
Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng theo Chỉ thị số 13/2017 của Ban Bí thư. Trong đó cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đắk Lắk cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những đánh giá, dự báo tình hình thời gian tới, nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo các chứng nhận chuẩn quốc tế, tín chỉ cacbon…Đặc biệt, với những lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, Đắk Lắk hoàn toàn có thể hướng đến phát triển kinh tế bền vững từ rừng.