Để sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư khi không còn cấp huyện

Từ ngày 1-7-2025, Hà Nội và các địa phương trên cả nước chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp, không còn quận, huyện; cùng với đó số xã, phường cũng giảm mạnh. Vì thế, số trụ sở, công trình dôi dư sẽ rất lớn.

Ngay từ bây giờ, vấn đề đặt ra là làm sao sử dụng hiệu quả trụ sở, công trình dôi dư sau quá trình sắp xếp. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Ưu tiên phục vụ giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng

Thực tế cho thấy, số lượng trụ sở công dôi dư sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp sẽ là nguồn lực vật chất rất lớn. Hầu hết công trình được xây dựng trên phần đất có diện tích lớn, được bố trí tại khu vực trung tâm của địa phương, lưu thông thuận tiện, người dân dễ dàng kết nối.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sau khi sắp xếp lại, các đơn vị hành chính có chức năng mới, quy mô đơn vị hành chính cũng khác. Căn cứ theo tiêu chuẩn về đơn vị hành chính để lựa chọn trụ sở thích hợp, phù hợp với đặc thù và góp phần ổn định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hành chính mới.

Vấn đề thứ hai là cần lực lượng chuyên môn rà soát lại các cơ sở vật chất để bảo đảm không chỉ phù hợp chức năng mà còn an toàn và hợp lý. Hiện nay rất nhiều trụ sở đã cũ, cơi nới không hợp lý nên cơ quan chức năng như như Sở Xây dựng phải rà soát lại, trên cơ sở đó mới có kế hoạch sử dụng.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai đồ án quy hoạch lớn của Hà Nội. Công việc tiếp theo hiện nay là phải điều chỉnh các quy hoạch cục bộ, gồm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Như vậy, sau khi rà soát, quy hoạch phải đi trước để xem xét, bố trí sử dụng các trụ sở dôi dư hợp lý. Trường học, cơ sở y tế thiếu là điểm dễ thấy song các nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi, không gian xanh hiện cũng rất thiếu, khó khăn trong bố trí.

Trước cửa một trụ sở cũ tại quận Hà Đông xuống cấp do lâu ngày để hoang hóa. Ảnh: H.T

Trước cửa một trụ sở cũ tại quận Hà Đông xuống cấp do lâu ngày để hoang hóa. Ảnh: H.T

Đồng quan điểm, PGS. TS. Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, rút kinh nghiệm trong những năm trước đây, khi di dời sang trụ sở mới, nhiều cơ quan không trả lại trụ sở cũ gây lãng phí rất lớn. Lần này, để tránh lãng phí tài sản công, trước tiên cần kịp thời liệt kê những trụ sở dôi dư và công bố công khai về vị trí, diện tích.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh việc các trụ sở, công trình công dôi dư được ưu tiên phục vụ các mục tiêu thiết thực như giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng. Đây là chủ trương rất đúng đắn song cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đưa quan điểm, ở các đô thị lớn như Hà Nội, các cơ sở dôi dư nên được ưu tiên chuyển sang cho giáo dục, y tế vì thực trạng là học sinh ở thành phố rất thiếu trường học. Hệ thống trạm y tế cơ sở cũng rất yếu… Thành phố nên ưu tiên sử dụng trụ sở công dôi dư vào những mục đích để người dân được hưởng lợi. Bảo đảm an sinh là vấn đề quan tâm số một, cần được đặt lên hàng đầu.

“Trong chuyển đổi công năng các trụ sở công dôi dư, chính quyền địa phương cần căn cứ trên nhu cầu của người dân để có thể linh hoạt bố trí mục đích sử dụng. Tất cả cần phải tuân thủ nguyên tắc đúng quy định pháp luật, công khai, dân chủ, minh bạch và trên hết là góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực”, ông Nguyễn Thế Điệp nêu quan điểm.

Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để có thể cải tạo, sửa chữa, xây mới, chuyển đổi công năng… của các trụ sở này, có thể có áp dụng các mô hình đấu thầu hợp doanh và liên doanh, tùy theo từng vị trí cụ thể nhằm khai thác thêm nguồn lực mà ngân sách thành phố không thể đáp ứng.

Cùng với phương án khai thác, sử dụng trụ sở công dôi dư, cũng nên kết hợp rà soát lại việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất trên địa bàn Thủ đô. Bởi vì có những khu vực đất "kim cương" hiện nay bỏ trống hàng chục năm, gây lãng phí.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận, sau khi chuyển đổi công năng, sử dụng vào những mục đích thiết yếu, dân sinh, với những nơi tiếp tục còn thừa nên đấu giá để vừa tạo nguồn lực cho thành phố, vừa giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn quỹ đất, tránh trường hợp để công sở bỏ hoang, gây thất thoát, lãng phí.

Về vấn đề này, theo PGS. TS. Bùi Thị An, với những nơi tiếp tục còn thừa trụ sở, có thể nghiên cứu thay đổi công năng, sửa chữa cho sinh viên hoặc người lao động vãng lai thuê nhưng cần công khai để người cần, có nhu cầu thực sự được sử dụng.

Việc này cần được thực hiện khẩn trương, bởi nếu chậm trễ trong chuyển đổi công năng các trụ sở dôi dư sẽ dẫn đến lãng phí tài sản công. Vì vậy, các địa phương xây dựng phương án phù hợp ngay từ bây giờ.

Để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công, cần giao cho địa phương thực hiện trong thời gian nhất định và báo cáo kết quả đã xử lý tài sản công dôi dư. Nếu thực hiện không đúng thời hạn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

"Thực tế cho thấy, cần cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các địa phương về việc quản lý, sử dụng tài sản công. Có như vậy mới sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh tình trạng nhiều vị trí “đất vàng” để hoang hóa, rất lãng phí. Một giải pháp khác rất quan trọng là công tác giám sát cần được thực hiện liên tục, thường xuyên và quyết liệt”, bà Bùi Thị An đề xuất.

Hoa-Hương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-su-dung-hieu-qua-tru-so-doi-du-khi-khong-con-cap-huyen-700524.html