Đề tài nghề báo trong sáng tác văn học nghệ thuật: Hấp dẫn nhưng… khó

Nghề báo - nghề của sự sáng tạo, đam mê và cống hiến, một nghề vinh quang nhưng nhọc nhằn. Các tác phẩm văn học nghệ thuật về nghề báo, người làm báo góp phần động viên, thôi thúc các nhà báo thêm vững tin vào nghề đã chọn, sáng tạo những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Nhưng so với nhiều lĩnh vực khác, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật về nghề báo còn khá khiêm tốn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, dẫn đầu trong danh sách phim và thường được nhắc đến nhiều nhất trong những năm qua phải kể đến bộ phim truyền hình “Nghề báo” của đạo diễn Phi Tiến Sơn - tác phẩm đoạt Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2006. Người yêu phim còn có thêm một số phim khác về nghề báo như “Đèn vàng” của đạo diễn Mai Hồng Phong, “Phóng viên thử việc” của đạo diễn Quốc Trọng, “Những nhân viên gương mẫu” của đạo diễn Vũ Trường Khoa và Lê Mạnh…

Tuy nhiên, việc có được một bộ phim về đề tài này thu hút sự chú ý của số đông công chúng, hấp dẫn và lột tả được về nghề báo, thuyết phục với người trong nghề… vẫn là “của hiếm, khó tìm”. Với lĩnh vực âm nhạc, số lượng tác phẩm cũng không hẳn dồi dào. Được phổ biến hiện nay, thường là chỉ có các ca khúc: “Tự hào nghề báo của tôi”, “Nghề báo chúng tôi”, “Như hoa không tên”, “Khúc ca người làm báo”, “Nghề báo tôi yêu”… Với lĩnh vực sân khấu, số lượng tác phẩm về nghề báo, người làm báo còn hiếm hơn.

Chia sẻ quanh câu chuyện sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo, người làm báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền - người có nhiều năm gắn bó với nghề báo cho rằng, đây là đề tài khó. Ngay với bản thân ông, mặc dù có vốn sống, kinh nghiệm, câu chuyện…, song việc lựa chọn để đưa vào kịch bản làm sao để thể hiện được ý tưởng của mình, đồng thời được các đơn vị nghệ thuật chọn dàn dựng là vấn đề nan giải. Vì vậy, lâu nay, nếu ông có đưa hình ảnh nhà báo lên sân khấu thì cũng thường là xây dựng nhân vật phụ để không đi quá sâu về nghề này.

Có một thực tế khác là số lượng cuộc thi, vận động sáng tác về nghề báo, người làm báo hiện nay không nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo, người làm báo sẽ góp phần tạo thêm động lực cho văn nghệ sĩ sáng tác về mảng đề này.

Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo - người làm báo Thủ đô và cả nước” cho rằng, nhìn lại chặng đường lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam đến nay, có thể thấy những người làm báo đã và đang thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống; là công cụ sắc bén góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân.

Việc tổ chức vận động sáng tác về mảng đề tài này là dịp để nhắc nhớ về truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng của giới báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tôn vinh những cống hiến, những nhọc nhằn, hy sinh của những người làm báo. Thông qua cuộc vận động sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về mảng đề tài này, góp phần lan tỏa hình tượng những người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, để hình ảnh của những người làm báo chân chính đến gần hơn nữa trái tim của độc giả.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng nhận định: Báo chí có vai trò, trách nhiệm xã hội rất lớn. Người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng nhưng không dễ khai thác được cuộc sống, công việc của người làm báo để đưa vào các tác phẩm văn học nghệ thuật, từ thơ, nhạc, kịch đến điện ảnh… Việc phát động một cuộc vận động sáng tác về nghề báo, người làm báo là cần thiết để khơi gợi cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ sáng tác.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/de-tai-nghe-bao-trong-sang-tac-van-hoc-nghe-thuat-hap-dan-nhung-kho-i734780/