Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Lê Duy Hàn

Chỉ tính riêng thời vua Lê Thánh tông (1460-1497) với việc tổ chức 12 khoa thi tiến sĩ đã có 501 người đỗ tiến sĩ, 9 trạng nguyên. Trong số đó có Lê Duy Hàn (Nguyễn Hàn) người xã Bái Cầu (nay là xã Hoằng Tân), huyện Hoằng Hóa đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1481).

Đền thờ Lê Duy Hàn đã được con cháu trong dòng họ trùng tu.

Đền thờ Lê Duy Hàn đã được con cháu trong dòng họ trùng tu.

Căn cứ vào gia phả họ Lưu - Trịnh ở đây, tổ tiên dòng họ Lê vốn là họ Lưu, có quê gốc ở trấn Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Dòng họ này nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt làm quan to, thời Lê sơ có ông Lưu Khắc Châu làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, ban tặng tước Thanh Cẩm quận công và được ban quốc tính họ Lê. Đến đời con ông Lưu (Lê) Khắc Châu là Chính Đạo thì chuyển từ Lôi Dương về xứ Ngoại Lang (thôn Ngoại, xã Hà Đồ (nay là xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa).

Tra cứu trong sử sách và các tài liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam, Hồ sơ “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)”, Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa… có chép về thân thế và sự nghiệp của Tiến sĩ Lê Duy Hàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngay cả năm sinh của ông, mỗi tài liệu ghi có khác nhau, song cũng ở khoảng năm 1457, 1458, 1459. Sách “Liệt huyện đăng khoa bị khảo" chép ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời Lê Thánh tông. Sống và phụng sự nhà Lê, ông đã kinh qua chức quan Hộ bộ Thượng thư rồi làm đến Hiến sát sứ, chức vụ trưởng quan của Hiến sát sứ ty (còn được gọi tắt là Hiến ty), đảm nhận việc xét hỏi, kiểm soát, khảo khóa, tuần hành…

Đầu thế kỷ XVI là giai đoạn nhà Lê suy vi, Mạc Đăng Dung lộng quyền, lấn át. Trong triều, ngoài nội nháo nhác, tầng lớp trí thức ngả nghiêng dao động, tình hình Bắc triều vô cùng phức tạp, chính sự rối ren, chiến tranh xảy ra liên miên, dân tình điêu đứng. Trước tình thế đó, ông đã từ quan về ở xã Đồng Lộng, tổng Bái Trạch (nay là làng Đồng Lòng, xã Hoằng Tân). Ông đã đổi ra họ Nguyễn và lập nên dòng họ lớn ở đây. Vì thế con cháu của ông sau này đều mang họ Nguyễn.

Làng Đồng Lòng lúc ấy nằm trong vùng bãi bồi của dòng Mã giang, vì thế mà cư dân ở các vùng miền tìm đến khai hoang lập ấp, khai khẩn đất đai trở thành đồng ruộng, vườn tược, ao hồ để làm ăn sinh sống. Ở đây, bà con Nhân dân trồng cây lương thực xen kẽ trồng cây thuốc lào... là những loại cây trồng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và đem lại giá trị kinh tế.

Từ khi trở về sống tại vùng đất làng Đồng Lòng, Tiến sĩ Lê Duy Hàn đã bỏ nhiều tiền của, công sức giúp đỡ dân làng. Do vậy để ghi nhớ công lao và tôn vinh tài năng phẩm hạnh của ông, khi mất phần mộ và đền thờ của ông được lập tại đây.

Rất tiếc là theo thời gian, đền về cơ bản đã bị mất các hiện vật quý, hư hỏng thậm chí bị phá dỡ. Đặc biệt là kể từ năm 1959 - 1960 ngôi đền chỉ còn là phế tích. Giai đoạn năm 1983, dù đời sống của con cháu trong dòng họ còn nhiều khốn khó song họ đã quyết tâm lập lại bàn thờ ông để nhang khói và tìm lại các tư liệu liên quan tới vị tiến sĩ và cũng là ông tổ dòng họ Nguyễn ở làng Đồng Lòng.

Đền thờ và mộ Tiến sĩ Lê Duy Hàn tại xã Hoằng Tân.

Với công trạng của Tiến sĩ Lê Duy Hàn, ngày 20-4-1994, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) đã quyết định công nhận Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn (tức Nguyễn Hàn - Tiến sĩ - Hộ bộ Thượng thư triều Lê) là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Năm 2000, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, con cháu trong dòng họ đã đóng góp để xây dựng lại đền thờ một lần nữa. Theo lời kể của các cụ cao niên, ban đầu đền thờ được làm theo kiểu “Thượng sàng hạ mộ” (trên là nơi thờ, dưới là mộ) với mong muốn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của con cháu dòng họ nói riêng và Nhân dân trong làng nói chung. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức, hậu duệ của Tiến sĩ Lê Duy Hàn nói: Hàng năm vào dịp mùng 10 tháng 2 âm lịch chính quyền địa phương phối hợp với dòng họ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến cụ Lê Duy Hàn. Từ chiều ngày mùng 9, các cụ cao niên trong dòng họ đã tiến hành tổ chức sắm sửa lễ vật tế lễ tại đền. Trong những dịp này con cháu trong họ, bà con Nhân dân địa phương và khách thập phương tới dâng hương rất đông với lòng thành kính, cầu mong những điều tốt đẹp. Chúng tôi tự hào nhất là tên của cụ đã được khắc trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) ở Văn Miếu Quốc tử giám.

Về xã Hoằng Tân sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay, nhất là cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Ông Trần Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với hơn 5.200 nhân khẩu có mức thu nhập bình quân trên 62,273 triệu đồng/người/năm là sự nỗ lực của hệ thống chính trị và sự đoàn kết của người dân. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của người dân thôn Đồng Lòng. Trong 19 tiêu chí thì tiêu chí 06 về văn hóa luôn được chúng tôi quan tâm. Trên địa bàn có duy nhất di tích cấp tỉnh là đền thờ - mộ Tiến sĩ Lê Duy Hàn, vì thế địa phương cùng với dòng họ luôn quan tâm. Trong thời gian tới đền thờ tiếp tục được trùng tu, tôn tạo theo phương án đã được phê duyệt. Để thực hiện mục tiêu tiếp theo là xây dựng xã NTM kiểu mẫu, chắc chắn các tiêu chí văn hóa sẽ còn được thực hiện và huy động nhiều hơn nữa.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/de-tam-giap-dong-nbsp-tien-si-le-duy-han/28298.htm