Để thể dục thể thao phát triển trong học đường

Giáo dục thể chất cùng các hoạt động TDTT trong trường học tại Lâm Đồng đã có những bước phát triển mới trong những năm gần đây, góp phần không nhỏ cho mục tiêu đào tạo toàn diện học sinh, sinh viên.

Đội Aerobic THPT Trần Phú - Đà Lạt giành giải Nhất khối THPT tại giải Aerobic các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng 2020

Đội Aerobic THPT Trần Phú - Đà Lạt giành giải Nhất khối THPT tại giải Aerobic các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng 2020

Đảm bảo cơ sở vật chất cho TDTT học đường

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh năm học 2020-2021 này có 707 trường học thuộc Sở quản lý, trong đó từ bậc mầm non đến phổ thông có 692 trường; 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp; có 2 trường dành cho học sinh khuyết tật và Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Trong 692 trường học mầm non và khối phổ thông trên, bậc mầm non có 232; bậc tiểu học có 246, bậc trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) có 216 trường. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công và cơ quan quản lý giáo dục là 21.263 người, trong đó cán bộ quản lý có 1.625 người; giáo viên 15.995 người và nhân viên 3.643 người; toàn tỉnh hiện có trên 321.000 học sinh.

Riêng với giáo dục thể chất, toàn ngành hiện có 886 giáo viên, trong đó bậc tiểu học là 353; bậc THCS có 336 và bậc THPT có 197; hầu hết đều đã đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo quy định. Hằng năm ngành đều tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thể dục này.

Đặc biệt, những năm gần đây, trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư cơ sở vật chất dành cho các hoạt động TDTT. Đến nay, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết hầu như 100% trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đều đã đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo quy định. Hiện có trên 810 câu lạc bộ thể thao đang hoạt động trong các trường học, cơ sở giáo dục; toàn ngành hiện có 75 nhà thi đấu, 32 bể bơi, 72 sân bóng đá cỏ nhân tạo và hơn 911 sân tập các loại.

Hằng năm, ngành GD-ĐT các cấp đã phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động TDTT trong học đường cho các bậc học, từ tiểu học đến THPT và trường cao đẳng; cử học sinh tham gia các giải cấp tỉnh khi tổ chức các môn võ thuật Karate, Vovinam, võ cổ truyền, Taekwondo; ngành phối hợp với đơn vị chủ quản thể thao để tổ chức các giải Aerobic, bơi, cờ vua, bóng bàn, cầu lông, bóng đá tiểu học cho học sinh.

Đến nay, toàn bộ các trường học phổ thông trong tỉnh đều duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Không ít trường những nơi có điều kiện đã tổ chức cho học sinh học bơi, gần đây nhiều trường đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy.

Hằng năm, phòng giáo dục các huyện, thành trong tỉnh, theo quy định, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp cơ sở mỗi năm 1 lần; với cấp tỉnh cứ 2 năm 1 lần ngành tổ chức Hội khỏe Phù Đổng.

Ban tổ chức trao giải cho các vận động viên có thành tích tại giải bơi Trẻ, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Lâm Đồng - một giải có sự liên tịch tổ chức giữa Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và UBND thành phố Bảo Lộc tại Bảo Lộc trong tháng 10/2020

Ban tổ chức trao giải cho các vận động viên có thành tích tại giải bơi Trẻ, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Lâm Đồng - một giải có sự liên tịch tổ chức giữa Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và UBND thành phố Bảo Lộc tại Bảo Lộc trong tháng 10/2020

Phát huy năng lực học sinh

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, giáo dục thể chất và thể thao học đường Lâm Đồng những năm gần đây đã có những bước phát triển đầy tích cực.

Ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn giáo dục thể chất cho các đơn vị trường xây dựng kế hoạch cho hoạt động TDTT trong năm.

Như ông Thái Văn Sự, cán bộ phụ trách công tác giáo dục thể chất - Sở GD-ĐT Lâm Đồng khẳng định, giáo dục thể chất trong trường học được ngành xác định là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập và phát triển thể lực, góp phần đào tạo con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Chính vì vậy, theo ông Sự, trong quá trình xây dựng chương trình, môn học giáo dục thể chất được hướng đến việc phát huy năng lực học sinh, trong đó có các nội dung tự chọn, có sự liên thông giữa các bậc học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển.

Ngành những năm gần đây đã không ngừng đổi mới chương trình về giáo dục thể chất, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy kỹ năng cho học sinh; hình thành và duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho các em; gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh; giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất,

Ngành cũng khuyến khích các đơn vị trường học tìm tòi, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, từng trường; phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh; phù hợp với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cũng một điều đáng ghi nhận nữa, theo ông Sự, chính là lãnh đạo phòng giáo dục các huyện, thành, Ban Giám hiệu các trường nay đã quan tâm nhiều hơn đến giáo dục thể chất và hoạt động TDTT học đường, phát huy được hiệu quả của các công trình TDTT tại đơn vị. Cùng đó, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng đã mang thêm sức sống cho thể thao trường học.

Trong thời gian đến, theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, ngành vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất, thể thao học đường, tăng cường các hoạt động TDTT ngoại khóa, phát triển các câu lạc bộ TDTT trường học làm nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao. Cùng đó, ngành cũng sẽ tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học môn giáo dục thể chất còn thiếu trong các trường học, trong đó chú trọng đến vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở trường học để ưu tiên cho những công trình thiết yếu dành cho giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trường học.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/202012/de-the-duc-the-thao-phat-trien-trong-hoc-duong-3036205/