Đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao là tín hiệu tốt cho việc tuyển sinh ĐH
Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm tính phân hóa sẽ giúp trường ĐH phân tầng thí sinh hiệu quả và xây dựng chiến lược tuyển sinh phù hợp.
Năm 2025 là năm đầu tiên đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi được triển khai theo định hướng nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đề ra: “Đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Theo đó, đề thi năm nay đã có những sự điều chỉnh giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh bởi được thiết kế có tính phân hóa cao, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học của chương trình giáo dục phổ thông mới, mà còn góp phần giúp cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vững chắc trong công tác tuyển sinh một cách hiệu quả và công bằng.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải là "một mũi tên trúng ba đích"
Việc đổi mới cách thức ra đề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tạo ra những chuyển biến, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh trong các trường. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - giảng viên Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá cao về nội dung và hình thức của các môn trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có tính phân hóa rõ rệt, bám sát với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc phổ điểm trải rộng có thể giúp hạn chế tình trạng điểm cao đồng loạt, từ đó hỗ trợ các trường phân tầng thí sinh hiệu quả hơn trong quá trình xét tuyển.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hướng đến 3 mục đích là: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông/giáo dục thường xuyên và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.
Cấu trúc định dạng đề thi có độ phân hóa phù hợp nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Kỳ thi không chỉ nhằm mục đích phục vụ xét tốt nghiệp mà còn cần là công cụ phân loại hiệu quả cho tuyển sinh đại học, phù hợp với xu thế đánh giá năng lực quốc tế. Tất nhiên, mức độ khó cần được xác định trên cơ sở dữ liệu và thống kê thực nghiệm.
Hệ thống câu hỏi trong đề thi năm nay có sự phân bổ tỷ lệ phù hợp giữa các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, thể hiện rõ yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nhấn mạnh năng lực phân tích và tư duy phản biện, thay vì chỉ áp dụng công thức thuần túy. Có thể nói, đây là năm đầu tiên triển khai theo cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng thầy cô và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay. Tuy vậy, tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu: bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở ba vùng, miền.
Vì năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học sẽ thiết lập một mặt bằng mới và có thể khó dự đoán, bởi lẽ, có rất nhiều yếu tố chi phối. Việc ước tính độ khó của đề thi môn Toán hay môn Tiếng Anh sẽ tác động như thế nào tới điểm chuẩn cũng là điều không đơn giản. Hơn nữa, hiện nay, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phải là lựa chọn duy nhất, cùng với những yếu tố mới xuất hiện trong năm nay (như quy định bỏ xét tuyển sớm hay các trường phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào giữa các phương thức xét tuyển cho một ngành/nhóm ngành đào tạo) có thể tác động đến mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay.
Song, theo thầy Hiếu, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự phân hóa rõ ràng sẽ là tín hiệu tốt cho các trường đại học triển khai thực hiện công tác tuyển sinh và sàng lọc người học hiệu quả hơn. Bên cạnh yêu cầu thiết kế cấu trúc đề thi hợp lý nhằm đáp ứng tiêu chí xét ngưỡng tốt nghiệp, đề thi cũng cần đảm bảo chất lượng tuyển sinh công bằng, minh bạch, đồng thời tránh tình trạng "lạm phát" điểm đầu vào. Nếu đề thi không đủ tính phân hóa, sẽ không loại trừ khả năng có nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối ở cả ba môn, nhưng vẫn không thể trúng tuyển vào ngành học mong muốn. Khi đó, các trường đại học sẽ gặp khó khăn trong việc sàng lọc và lựa chọn đúng sinh viên sao cho phù hợp với yêu cầu đào tạo, đặc biệt là ở những ngành học top đầu, lĩnh vực mũi nhọn.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.
Trong bối cảnh giáo dục không ngừng hội nhập và phát triển, nhiều ngành học hiện nay đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với năng lực học thuật, khả năng tự học và trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Không chỉ cần tư duy phân tích, phản biện sắc bén, người học còn cần liên tục cập nhật và xử lý khối lượng lớn tri thức từ nguồn tài liệu chuyên ngành, tiếp cận với các chuẩn mực học thuật quốc tế. Từ đó có nền tảng để bắt đầu làm quen với những dự án nghiên cứu mang tính thực tiễn nhằm theo đuổi ngành học yêu cầu cao.
Như vậy, kỳ thi không chỉ dừng lại ở vai trò đánh giá năng lực tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, mà còn là công cụ định hướng phân luồng và kết nối với hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng,... Tinh thần chung điểm chuẩn năm nay có thể thấp hơn năm trước từ 1-2 điểm tùy từng ngành, song, thầy Hiếu cho rằng thí sinh không nên quá lo lắng vì nguyên tắc xét tuyển hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và không có sự phân biệt về thứ tự nguyện vọng. Do đó, nếu có chiến thuật sắp xếp nguyện vọng hợp lý thì các em có thể yên tâm về cơ hội trúng tuyển các trường đại học yêu thích.
Góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đại học, đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo
Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho biết, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đánh giá lại quá trình dạy và học, vừa là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng trong tuyển sinh.
Dự báo phổ điểm trải rộng giúp giảm tình trạng dồn điểm ở nhóm cao, từ đó hỗ trợ các trường đại học phân loại thí sinh rõ ràng và tuyển chọn chính xác hơn người học thực sự có năng lực, phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.
Điều này góp phần nâng cao chất lượng đầu vào và tạo dựng nền tảng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chiến lược tuyển sinh phù hợp, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cho thấy sự chuyển hướng rõ nét từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực toàn diện, phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục.
Hiện, các cơ sở giáo dục đại học còn chờ kết quả chính thức của kỳ thi để tính toán công thức quy đổi điểm giữa những phương thức xét tuyển theo đúng quy chế của mùa tuyển sinh đại học năm nay nhằm đảm bảo sự công bằng và nhất quán.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại diện của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhận định, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự đầu tư về nhân lực, vật lực và kinh nghiệm quản lý diện rộng trên quy mô toàn quốc. Kết quả kỳ thi này là kết quả đáng tin cậy, đồng thời đáp ứng được nhiều mục tiêu khác nhau như vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu làm căn cứ phục vụ công tác tuyển sinh đại học khi có tính phân loại cao.
Mặt khác, nếu đề thi chứa ít câu hỏi để phân loại học sinh, có thể dẫn đến thách thức cho công tác tuyển sinh, khiến thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây phân tán nguồn lực xã hội (cơ sở dữ liệu, phần mềm, người ra đề thi,...). Việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tuyển sinh đại học, cao đẳng mà đảm bảo tính công bằng, độ tin cậy, đáp ứng phân loại thí sinh hiệu quả sẽ là phương án thi gọn nhẹ, có thể giảm áp lực, giảm tốn kém, giúp thí sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi riêng.
Tại nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới, công tác tuyển sinh đại học thường được thực hiện dựa trên một phương thức xét tuyển duy nhất. Việc sử dụng một thang đo thống nhất được cho là không chỉ đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong đánh giá, mà còn tạo ra một tiêu chí đo lường thống nhất, đồng bộ hệ thống thi cử, đánh giá trên mặt bằng chung cho tất cả thí sinh. Cách làm này tuy có phần nghiêm ngặt, mang tính sàng lọc cao, nhưng có thể tạo ra cơ sở nhất quán, có tính chuẩn hóa cao, cho phép các trường đại học xây dựng hệ chuẩn đánh giá đồng bộ để tuyển chọn đúng người, đúng năng lực, đúng tiềm năng.