Cấm điện thoại trong trường học: Đã đến lúc cần một chủ trương toàn quốc?

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi và các hoạt động giáo dục tại trường, dư luận đã bày tỏ sự đồng tình rộng rãi. Một số địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... đã triển khai biện pháp hạn chế hoặc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.

Trường học cần trở thành nơi kết nối

Cụ thể, ngày 10/7, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Nguyễn Văn Hiếu đã giao Phòng Học sinh - Sinh viên nghiên cứu, tham mưu phương án hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường.

Theo đó, học sinh chỉ được dùng điện thoại khi giáo viên bộ môn cho phép phục vụ mục đích học tập trong giờ học. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao, giao lưu trong giờ ra chơi để tăng cường tương tác trực tiếp giữa học sinh.

Chỉ sau ít ngày công bố, đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ giáo viên, phụ huynh đến chuyên gia giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi đúng đắn, góp phần giảm thiểu tác hại của thiết bị công nghệ số đối với học sinh.

Chị Hải Yến, phụ huynh có con học bậc tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) ở Hà Nội, cũng đồng tình: "Tôi ủng hộ việc không dùng điện thoại trong giờ học.Việc cấm điện thoại thông minh, đặc biệt là ngay từ bậc học nhỏ là việc cần thiết. Khi học là để nghe, nhìn, viết và tiếp thu tự nhiên. Nếu cần tra cứu, nên để sau buổi học. Tuy nhiên, nhà trường cấm điện thoại, nhưng gia đình cũng phải đồng hành. Tối về lại để con ôm điện thoại suốt thì học hành kiểu gì? Vì thế, gia đình chính là nơi đầu tiên và cuối cùng quản lý việc dùng điện thoại của học sinh".

Chị Hải Yến: Cùng với quy định nhà trường cấm điện thoại thì gia đình cũng phải đồng hành.

Chị Hải Yến: Cùng với quy định nhà trường cấm điện thoại thì gia đình cũng phải đồng hành.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, chủ đề này cũng được tranh luận sôi nổi. Thầy giáo T.K- giáo viên của một trường Trung học phổ thông (THPT) ở Hà Nội chia sẻ rằng, từ đầu năm học 2024–2025, nhà trường đã xin ý kiến phụ huynh và triển khai việc lắp tủ đựng điện thoại cho học sinh. Học sinh cất điện thoại vào đầu ngày và nhận lại vào cuối buổi học. Ban đầu, nhiều em phản ứng, nhưng sau một năm, đa số đã nghiêm túc thực hiện. Giờ ra chơi, các em xuống sân đá cầu, nhảy dây, trò chuyện thay vì dán mắt vào màn hình. Với những tiết học được giáo viên cho phép, học sinh vẫn có thể sử dụng điện thoại và sau đó cất lại. Tuy nhiên, số tiết cần dùng điện thoại không nhiều. Tôi ủng hộ mong chủ trương này sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Cô Kim Phụng, một giảng viên đại học cũng chia sẻ kinh nghiệm từ bậc học cao hơn: Tuổi này rất khó cấm sử dụng điện thoại rồi. Hơn một nửa lớp cắm mặt vào điện thoại khi tôi giảng bài và khi thi hết môn thì điểm phổ biến là 4 hoặc 5. Học sinh tới trường chỉ là để học. Nên cấm ngay trong năm học tới.

Từ quy định địa phương tới chủ trương quốc gia?

Thực tế, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa... đã có quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học. Tuy nhiên, việc thiếu một chủ trương thống nhất toàn quốc khiến các trường áp dụng không đồng đều, dẫn đến sự chênh lệch trong quản lý học đường.

Hà Nội đã bắt đầu cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường từ tháng 10/2024. chị Hà Anh cho biết trên lớp, con không được dùng nên khi về nhà, chị vẫn cho phép con sử dụng trong 2 giờ mỗi ngày. Nhiều khi, con lấy lý do làm bài tập để sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, nhưng cuối cùng lại sa vào các niềm vui trên mạng xã hội.

Nói thêm về việc cấm học sinh dùng điện thoại trên lớp, chị Thu Hà cho biết con chị không dám dùng khi đã bị cấm, nhưng một số bạn khác vẫn lén dùng, bị phát hiện và bị phạt. Nhìn chung, cấm là tốt, nhưng công tác triển khai ở thời điểm hiện tại chưa thực sự mang lại tác động sâu rộng và tạo thói quen tốt cho học sinh.

Đồng tình với ý kiến của chị Hà, một giáo viên tại trường THCS ở Hà Nội cho rằng việc giám sát học sinh một cách tuyệt đối là điều không dễ dàng. Một số học sinh vẫn cố tình giấu điện thoại, lén lút sử dụng trong lớp. Điều này khiến giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, thậm chí đối mặt với những mâu thuẫn nhỏ giữa học sinh.

Về chính sách, Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT chỉ quy định học sinh được dùng điện thoại trong lớp khi được giáo viên cho phép, nhưng lại không rõ ràng về việc sử dụng trong giờ ra chơi, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Cần có một quy định pháp lý cao hơn, để thống nhất toàn quốc. Không thể để mỗi nơi một kiểu. Tuy nhiên cấm là đúng, nhưng cấm toàn diện cần xem xét kỹ. Với học sinh khuyết tật hoặc các trường hợp cần liên lạc khẩn cấp, việc sử dụng điện thoại vẫn có thể hữu ích. Vấn đề là khi cấm, phải có giải pháp thay thế như tổ chức được các hoạt động lành mạnh trong giờ nghỉ, nếu không học sinh sẽ cảm thấy gò bó và phản kháng.

Trường học cần là không gian duy trì sự cân bằng - nơi trẻ được dạy cách làm chủ công nghệ thay vì bị công nghệ chi phối (ảnh Internet)

Trường học cần là không gian duy trì sự cân bằng - nơi trẻ được dạy cách làm chủ công nghệ thay vì bị công nghệ chi phối (ảnh Internet)

Trung Quốc, Singapore, Pháp, Phần Lan, Anh... đã có quy định cấm điện thoại trong trường học. Trong đó, Pháp là một trong những quốc gia tiên phong với lệnh cấm toàn diện áp dụng từ năm 2018. Nhờ đó, học sinh Pháp được ghi nhận có khả năng tập trung cao hơn và mức độ lo âu cũng giảm.

Tại Phần Lan, luật mới cho phép các trường học cấm hoàn toàn điện thoại di động trong lớp nếu không phục vụ cho học tập, sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2025. Mục tiêu là giảm sự xao nhãng, từ đó cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Ở Anh, khảo sát của tổ chức Parentkind UK năm 2023 cho thấy hơn 90% các trường trung học có chính sách cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhờ đó, lớp học ổn định hơn và giáo viên dễ dàng tổ chức giảng dạy.

Những mô hình này cho thấy, việc cấm điện thoại trong trường học không chỉ là chính sách kỷ luật, mà còn là giải pháp nuôi dưỡng năng lực tập trung, giao tiếp xã hội, sức khỏe tâm thần...

Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Khi thiết bị số trở thành một phần không thể tách rời khỏi đời sống, trường học cần là không gian duy trì sự cân bằng - nơi trẻ được dạy cách làm chủ công nghệ thay vì bị công nghệ chi phối.

Một quy định thống nhất toàn quốc sẽ giúp giảm bất cập trong triển khai, đảm bảo công bằng giữa các địa phương và tạo nền tảng cho môi trường học đường kỷ cương, lành mạnh. Đó không chỉ là việc "cấm" điện thoại, mà là thiết kế lại môi trường học tập toàn diện, trong đó giáo viên, nhà trường và phụ huynh cùng tham gia xây dựng thói quen tích cực cho học sinh.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cam-dien-thoai-trong-truong-hoc-da-den-luc-can-mot-chu-truong-toan-quoc-post1214223.vov