Để Thủ đô phát huy tiềm năng trung tâm văn hóa lớn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, đến nay bản dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trước khi trình thẩm định. Mục tiêu xuyên suốt là văn hóa và con người vừa là nền tảng vừa là nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô.
Vấn đề văn hóa, con người nhận được sự quan tâm của các chuyên gia thể hiện trong tham luận góp ý dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Hà Nội đang đứng trước những thách thức như tình trạng xuống cấp, di sản văn hóa thiếu các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo; di sản bị xâm chiếm hoặc bị khai thác quá mức, làm biến dạng...
Do đó, việc xây dựng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới phải góp phần giải quyết những thách thức này, tạo điều kiện cho văn hóa Thủ đô phát triển.
PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng: Một phần quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị của Thủ đô là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vì đây là một thành phố với lịch sử và di sản văn hóa đa dạng. Ngoài ra, cần tích hợp di sản văn hóa vào quy hoạch đô thị bằng cách bảo đảm cho các di tích và khu vực văn hóa được bảo tồn và tôn trọng trong quá trình phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy hoạch khu vực hai bờ sông Hồng, quy hoạch các trục văn hóa theo dọc tuyến sông Hồng và kết nối với các khu vực khác trong vùng Thủ đô để phát triển kinh tế và văn hóa du lịch, bảo vệ môi trường.
Mỗi công viên sẽ trở thành một trung tâm sáng tạo
Bà Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đánh giá: Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của “một trung tâm lớn về văn hóa” và còn thiếu vắng những thiết chế văn hóa, nghệ thuật, những công trình kiến trúc mới mang dấu ấn của thời đại.
Theo bà Hương, Hà Nội có thể thực hiện quy hoạch, mở rộng các công viên đã có, xây dựng thêm những công viên mới và biến chúng trở thành công viên văn hóa bằng cách tổ chức, trình diễn nhiều thể loại nghệ thuật công cộng, tổ chức festival cộng đồng để khuyến khích đa dạng văn hóa ở địa phương. Và như thế, mỗi công viên sẽ trở thành một trung tâm sáng tạo - một giải pháp để đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều nhà hát (của cả Trung ương và Hà Nội), tuy nhiên hầu hết đều có diện tích khiêm tốn như Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Âu Cơ…, nhưng đã được xây dựng từ khá lâu nên thực sự không thể đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, thậm chí đã xuống cấp.
Hà Nội có Nhà hát Lớn, vừa khánh thành Nhà hát Hồ Gươm nhưng cả 2 nhà hát này không thể đáp ứng được những buổi biểu diễn có số lượng khán giả trên 1.000 người, vì thế, bà Hương đề nghị cần quy hoạch, xây dựng một công trình hay một tổ hợp công trình nghệ thuật để có thể biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau. Ngoài yêu cầu của nhà hát, cần đầu tư thiết kế để đây sẽ là một công trình kiến trúc tiêu biểu mang dấu ấn thời đại của Thủ đô.
Về định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô) cho biết, các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.