Để Thủ đô trở thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 28-5 vừa qua, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Vân (đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Ninh) cho rằng cần có cơ chế đặc thù, vượt trội để Thủ đô thực sự trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Đối với quy định cho phép chính quyền thành phố Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng quy định này là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.
“Đất nước đang thực hiện phổ cập giáo dục và đây chính là sự công bằng đối với tất cả các em học sinh đều có thể đến trường. Tôi cho rằng công bằng với học sinh không hẳn là phải cùng một lớp, cùng học một chương trình giáo dục. Không thể hạn chế các học sinh ở gia đình có điều kiện tự nguyện lựa chọn các chương trình có chất lượng giáo dục tốt hơn”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chính trị, quy tụ nguồn lực, nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị giao cho Thủ đô là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này.
“Cần xem việc cho phép Thủ đô đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội mà phải coi đây là trách nhiệm của Thủ đô, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Đây không phải là quy định hoàn toàn mới, không riêng Thủ đô mà nhiều địa phương khác đã và đang thực hiện mô hình giáo dục có tính chất tương tự như trường điểm, trường trọng điểm, trường chuyên hay trường chuẩn”, đại biểu nhấn mạnh.
Về việc cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, đại biểu cho rằng Luật Giáo dục hiện hành không có quy định cấm, nhưng cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục” mới chỉ cho phép các trường đại học và các trường tư thục thực hiện liên kết giáo dục. Đại biểu Đoàn Bắc Ninh nhận định, quy định này chưa tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô, nhất là những nơi bản thân học sinh, các bậc phụ huynh có nguyện vọng, có mong muốn, có điều kiện để đồng hành với các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện liên kết. “Điều này vừa giúp học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình, vừa giúp các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến và các bậc phụ huynh giảm được chi phí thay vì cho con đi du học”, đại biểu Trần Thị Vân nói.
Đại biểu cũng cho rằng, để các trường công lập của Hà Nội liên kết được với các cơ sở nước ngoài, công tác chuẩn bị không chỉ trong một sớm một chiều mà cần có thời gian để lựa chọn chương trình giảng dạy, đối tác liên kết, chuẩn bị cơ sở vật chất, thu hút đào tạo nhân lực, xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu, khả năng của người Việt, bảo đảm liên kết hiệu quả, chất lượng.