Để tiếng chiêng ngân vang mãi giữa đại ngàn
Giữa nhịp sống hiện đại, người M'Nông ở Đắk Nông vẫn bền bỉ gìn giữ bản sắc văn hóa thông qua tiếng cồng chiêng – di sản vô giá của dân tộc. Cồng chiêng M'Nông không chỉ vang lên trong đời sống tinh thần cộng đồng, mà còn trở thành cầu nối thế hệ, được truyền dạy cho lớp trẻ như một cách giữ lửa văn hóa truyền thống.
Từ bao đời nay, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó mật thiết với đời sống và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người M’Nông ở Đắk Nông. Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, giữa bộn bề công việc, toan lo, người M’Nông trên cao nguyên Đắk Nông vẫn luôn gìn giữ tiếng chiêng.
Tiếng chiêng bây giờ không chỉ là một phần quan trong của lịch sử văn hóa và bản sắc, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, vượt qua rào cản ngôn ngữ ở vùng đất đang có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống.

Trong các sự kiện lớn nhỏ ở bon làng tại tỉnh Đắk Nông, gần như đều xuất hiện các tiết mục diễn tấu cồng chiêng. (Ảnh: Tuấn Long)
Cả tháng nay, vào các tối cuối tuần, các thành viên hai đội chiêng lớn và nhỏ bon Njang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song lại tụ họp về nhà cộng đồng cùng nhau tập luyện dưới sự chỉ dạy của nghệ nhân. Những bài chiêng truyền thống như chiêng Ngăn, Pích Tơ Trơ hay Trút Tru… vang lên đều đặn, chuẩn bị cho màn biểu diễn khai mạc sự kiện văn hóa – văn nghệ tỉnh Đắk Nông, chào mừng 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4. Chị H’Hiệp, thành viên đội chiêng lớn chia sẻ, dù cuộc sống còn nhiều lo toan bộn bề nhưng ai cũng tham gia đều đặn. Với toàn đội, được hòa mình trong tiếng chiêng là niềm vui, là niềm tự hào.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ lửa, không chỉ biểu diễn trong bon làng, mà còn hướng tới du lịch cộng đồng, để tiếng chiêng M’Nông mãi ngân xa giữa đại ngàn,” chị H’Hiệp cho hay.
Bon Njang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song là một trong số ít bon tại tỉnh Đắk Nông hiện duy trì cả hai đội chiêng gồm đội lớn và nhỏ. Trong đội chiêng trẻ, có Y Huyền, 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đắk Song, là một thành viên khá đặc biệt. Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa khi thích chơi game với smartphone thì em có đam mê sâu sắc với các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là cồng chiêng.
Y Huyền cho biết, khi biết bon thành lập đội chiêng, em đã chủ động xin phép bố mẹ và thầy cô để được tham gia. Dù từ trường nội trú về nhà xa hơn 30 km, em vẫn đều đặn mỗi cuối tuần để được tập diễn tấu chiêng, đam mê học tập các bài chiêng cổ từ các nghệ nhân.
“Học đánh chiêng yêu cầu đầu tiên là phải có đam mê và phải biết lắng nghe nhịp chiêng. Lúc mới tập, tay rất đau vì chiêng được cấu tạo từ đồng, mà mình lại dùng tay đấm trực tiếp lên mặt chiêng. Nhưng giờ em quen rồi, không còn thấy đau nữa,” Y’Huyền chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ người dân tộc M'Nông và một số dân tộc khác di cư tới sinh sống tại Đắk Nông cũng rất hào hứng học đánh chiêng. (Ảnh: Tuấn Long)
Đắk Nông có dân sói 670.000 người, thuộc 40 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với các dân tộc tại chỗ như M'Nông, Ê Đê, Mạ… cồng chiêng là linh hồn văn hóa. Xưa, cồng chiêng là cầu nối để bà con giao lưu với Yàng. Nay, còn là nhịp cầu âm thanh đại đoàn kết các dân tộc. Anh Lang Văn Quy, dân tộc Thái, từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp hơn 10 năm nay, là một thành viên đội chiêng lớn ở bon Njang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.
“Tôi là người dân tộc Thái, theo gia đình vào làm kinh tế mới trong Tây Nguyên. Khi tiếp cận với văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tôi rất thích và đã theo các nghệ nhân để học hỏi. Khó nhất với tôi là nghe chiêng, hiểu về các bài chiêng nên cần thêm thời gian để các ông các bà chỉ dạy. Đến giờ tôi cũng học được 2 - 3 bài chiêng rồi. Mong sao thời gian tới, các nghệ nhân tiếp tục truyền dạy cách đánh chiêng cho nhiều người trẻ ở bon làng,” anh Quy tâm sự.
Nghệ nhân Y N’Srơi là người đã dành nhiều năm gắn bó với việc truyền dạy hàng chục lớp đánh chiêng cho hàng trăm bạn trẻ ở Đắk Nông. Ông cho biết, chiêng hiện diện trong mọi sự kiện lớn nhỏ ở bon làng. Nhiều năm dạy đánh chiêng, ông thấy bạn trẻ rất đam mê. Qua những người trẻ ấy, văn hóa truyền thống M'Nông đang dần sinh động trong đời sống hiện đại.
“Với người M’Nông, chiêng vô cùng quý giá. Từ lễ hội lớn trong bon làng, đến đám cưới, đám hỏi, lễ mừng lúa mới trong từng gia đình tất cả đều không thể thiếu tiếng chiêng. Nên cồng chiêng vô cùng quý giá và có ý nghĩa trong cuộc sống của người M’Nông,”ông Y N’srơi khẳng định.

Cùng với chồng chiêng, văn hóa dân tộc bản địa người M'Nông ở Đắk Nông đang được gìn giữ, phát huy và bảo tồn. (Ảnh: Tuấn Long)
Giữa đại ngàn Tây Nguyên, tiếng chiêng vẫn vang vọng. Cồng chiêng M’Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung, đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, ngân xa như lời mời cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng đất này, nắm tay nhau trở về với cội nguồn bản sắc.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/de-tieng-chieng-ngan-vang-mai-giua-dai-ngan-post1193868.vov