Để TP.HCM đi đầu trong công tác chăm lo người có công

Loạt bài '50 chăm lo cho người có công' của Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được những chia sẻ của chuyên gia kỳ vọng, góp ý để TP.HCM thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác chăm lo cho người có công.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã triển khai và đăng tải loạt bài về "50 chăm lo cho người có công". Chủ đề này đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, kỳ vọng và góp ý về các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

ÔNG PHẠM MINH HUÂN, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ):

Rà soát, hỗ trợ nhà ở cho người có công

 Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Nay Là Bộ Nội Vụ) Ảnh: VIẾT LONG

Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Nay Là Bộ Nội Vụ) Ảnh: VIẾT LONG

Chăm lo cho người có công luôn là một chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong suốt hành trình phát triển đất nước.

Một trong những thành tựu nổi bật là việc hình thành hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, xuất phát từ thực tiễn đời sống và những mô hình sáng tạo tại các địa phương từ xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc y tế, đến các hoạt động tri ân tinh thần đặc biệt là TP.HCM, Long An và nhiều tỉnh phía Nam.

Chính sách dành cho người có công cần được đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội. Dù luôn được ưu tiên cao, nhưng nguồn lực phân bổ vẫn còn khiêm tốn vì còn nhiều chính sách xã hội khác cần quan tâm như hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật.

Do đó, chính sách này cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn. Ngân sách trung ương, địa phương, cùng các nguồn lực xã hội đã được huy động để chăm lo cho người có công.

 UBND phường 2, quận 3 tổ chức lễ bàn giao nhà cho ông Nguyễn Văn Lũy (thương binh với tỉ lệ thương tật 50%) vào ngày 26-3-2025. Ảnh: TL

UBND phường 2, quận 3 tổ chức lễ bàn giao nhà cho ông Nguyễn Văn Lũy (thương binh với tỉ lệ thương tật 50%) vào ngày 26-3-2025. Ảnh: TL

Cạnh đó, tôi đặc biệt tâm đắc với chính sách hỗ trợ nhà ở. Đây là yếu tố then chốt giúp người có công ổn định cuộc sống. Với những người đã lớn tuổi, chính sách càng cần được triển khai kịp thời, bởi thời gian không thể chờ đợi. Ngoài ra, những nơi đã được hỗ trợ nhà ở trước đây, sau 5-10 năm có thể xuống cấp, cần được rà soát và hỗ trợ thêm.

Nói thêm Ngân hàng Gen (ADN) do Bộ Công an phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ) triển khai để xác định danh tính liệt sĩ, tôi đánh giá cao ý nghĩa của sáng kiến này.

Đây là một chính sách quan trọng để giải quyết các trường hợp thất lạc hồ sơ, giúp xác định danh tính liệt sĩ và mang lại sự an ủi cho gia đình. Với điều kiện công nghệ hiện nay, cần đẩy mạnh chương trình này, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương để rà soát, giải quyết triệt để các trường hợp còn tồn đọng.

 Công an TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức lấy mẫu ADN cho 64 thân nhân họ ngoại của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại Sở Nội vụ vào ngày 18-4. Ảnh: HẢI NHI

Công an TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức lấy mẫu ADN cho 64 thân nhân họ ngoại của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại Sở Nội vụ vào ngày 18-4. Ảnh: HẢI NHI

Ngoài ra, tôi đề xuất cho phép các địa phương có điều kiện kinh tế tốt cần bổ sung nguồn lực để chăm lo người có công tốt hơn, thay vì chỉ phụ thuộc vào chính sách chung.

Theo đó, có thể thực hiện trợ cấp một lần hoặc định kỳ hằng tháng, với mức hỗ trợ tính theo mức sống trung bình tại từng khu vực, giúp người có công có cuộc sống ổn định và cao hơn mặt bằng chung.

Bên cạnh tài chính, cần đảm bảo người có công được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, từ khám chữa bệnh đến điều trị dài hạn. Các chương trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cần tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại nơi an cư vững chãi, ấm áp.

Với những người còn khả năng lao động, cần tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, sử dụng đất hiệu quả và hưởng các chính sách miễn giảm thuế, để họ chủ động phát triển kinh tế, tự lực vươn lên.

TS NGUYỄN THỊ TOÀN THẮNG, Học viện Cán bộ TP.HCM:

Cần những mô hình chăm lo mới và đi vào chiều sâu

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: NVVC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: NVVC

Trong thời gian tới, thành phố cần có sự chăm lo cho người có công ở mức độ chuyên hơn, giúp người có công tiếp cận dịch vụ y tế chuyên biệt, chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và công nghệ phù hợp. Các mô hình như “bác sĩ gia đình cho người có công” và “trung tâm chăm sóc tích hợp” cần được triển khai và nhân rộng.

Tổng thể các định hướng đổi mới này không chỉ giúp chính sách “đi đúng, trúng và đến nơi”, mà còn thể hiện một nền quản trị nhân văn – hiện đại – hội nhập đúng nghĩa.

TIẾN SĨ NGUYỄN MINH NHỰT, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM:

TP sẽ nghiên cứu mô hình chăm sóc người có công cao tuổi

 Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM. Ảnh: NVCC

Các chính sách mới nhất được ban hành trong năm 2025 tiếp tục thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc, đồng thời khẳng định trách nhiệm chính trị cao của chính quyền và nhân dân TP.HCM đối với những thế hệ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, cụ thể:

Nghị quyết số 38/2024 về chính sách đặc thù hỗ trợ người có công và thân nhân, với kinh phí dự kiến 39,832 tỉ đồng/năm từ nguồn ngân sách thành phố.

Nghị quyết số 05/2025 về chính sách hỗ trợ chế độ điều dưỡng, tổ chức hội nghị, tham quan về nguồn cho người có công và thân nhân, với tổng kinh phí dự kiến 7,057 tỉ đồng.

Nghị quyết số 11 về chính sách chi quà tặng nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tổng kinh phí dự kiến 178,331 tỉ đồng.

Ngoài ra, TP hỗ trợ chi phí đi lại bằng ô tô hoặc máy bay; hỗ trợ ăn uống (tối đa 180.000 đồng/người/bữa) và chi phí lưu trú (tối đa 2 triệu đồng/phòng/ngày tại các đô thị loại I).

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Nghị quyết 11/2025 về quy định chi tặng quà bằng tiền mặt trị giá 2.500.000 đồng/người cho 60.649 đối tượng là người có công và thân nhân.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi nhiều lần, là cơ sở pháp lý quan trọng. TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện hiệu quả các chính sách này.

Tính đến tháng 12-2024, TP.HCM quản lý 279.050 hồ sơ người có công, với 34.616 người hưởng trợ cấp hàng tháng, tổng chi trả lên đến hơn 73,3 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021–2024, thành phố đã tổ chức điều dưỡng cho hơn 8.800 lượt người có công, với tổng kinh phí hơn 27,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảm tự nhiên trong nhóm người có công ngày càng nhanh. Từ 2017 đến 2024, số người có công giảm từ 46.841 xuống còn 34.193, với độ tuổi trung bình từ 75 đến 95 tuổi, đòi hỏi chăm sóc y tế và nghỉ dưỡng thường xuyên.

Tôi cho rằng cần điều chỉnh chính sách, tăng mức hỗ trợ và chú trọng nhu cầu người cao tuổi. TP.HCM xác định 2024–2034 là “10 năm vàng” thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Theo đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh số hóa hồ sơ, quản lý dữ liệu người có công và triển khai dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo chính sách minh bạch, đúng đối tượng. TP cũng nghiên cứu mô hình chăm sóc người có công cao tuổi, tăng cường truyền thông về truyền thống cách mạng.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tphcm-di-dau-trong-cong-tac-cham-lo-nguoi-co-cong-post845678.html