Để văn hóa các dân tộc Việt Nam chảy mãi trong lòng dân tộc

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, bồi đắp với những giá trị bền vững từ tinh hoa của cộng đồng các dân tộc. Để văn hóa luôn tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn mạch xuyên suốt, tuôn chảy trong lòng dân tộc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Bình

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Bình

Giá trị sống còn của văn hóa

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, trong đó, ngoài người Kinh là dân tộc chiếm đa số, còn 53 dân tộc anh em, với vị trí địa lý dài từ Bắc xuống Nam cùng nhiều loại địa hình địa chất và điều kiện khí hậu khác nhau, đã tạo nên nền văn hóa vừa đa dạng, vừa phong phú. Bên cạnh đó, sự đông đảo về các tộc người cùng các nhóm, các ngành trong mỗi dân tộc thiểu số lại tạo nên một bức tranh đa màu sắc về văn hóa của họ. Chính vì vậy, nguồn lực văn hóa của các dân tộc thiểu số rất giàu có và phong phú, không phải quốc gia nào cũng có được ưu thế này. Chính điều này đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển văn hóa nước nhà, là yếu tố làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn, thuyết phục của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển, các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức đồ sộ, phong phú và độc đáo.

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, coi văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là khẳng định sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó là một nền văn hóa lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tinh thần, nhằm mục tiêu xây dựng con người - nguồn lực cơ bản nhất trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển của con người, xây dựng một xã hội tiến bộ, phát triển trên mọi lĩnh vực, chống lại sự đồng hóa văn hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Một quốc gia không chỉ cần có chính trị ổn định, kinh tế bền vững, quân đội hùng mạnh, mà cần phải có một nền văn hóa đặc sắc. Chính văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng, củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Từ thực tế đó, Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đã nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa và đặt vấn đề: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Với quan điểm chỉ đạo này, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, biến chất, tha hóa, nhũng nhiễu trong xã hội, cản trở đổi mới; cổ vũ những nhân tố tích cực để xây dựng những giá trị và chuẩn mực xã hội mới nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2016) tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN và mục tiêu “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) xác định nhiệm vụ tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Với chủ trương này, Đảng ta đã thể hiện sự phát triển nhận thức về hệ giá trị văn hóa, con người phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thực tiễn mới của đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về vai trò của văn hóa đối với vận mệnh dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Phát huy nguồn lực văn hóa trong thời đại mới

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm (Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực văn hóa của các tộc người càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt được nguồn lực này trong phát triển, cần thiết phải nhìn lại cách hiểu, cách ứng xử của xã hội đối với nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số.

Gìn giữ nghề truyền thống chính là phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Quang Minh

Gìn giữ nghề truyền thống chính là phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Quang Minh

Rõ ràng, để khai thác nguồn lực văn hóa, phát triển con người, đất nước, chúng ta cần quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chúng ta cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ đó thúc đẩy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho sự phát triển đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm...

Về phía Nhà nước, các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hóa, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa.

Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, tham gia và hưởng thụ văn hóa, cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, truyền dạy và thực hành văn hóa; kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới nhằm xây dựng con người có những giá trị phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lê Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-chay-mai-trong-long-dan-toc-post472335.html