Để việc vận chuyển rác ít ảnh hưởng đến môi trường
2 bài viết: Nhiều ý kiến xung quanh chủ trương thu gom vận chuyển rác ban đêm; Chuyển xe rác hoạt động ban đêm: Cần có lộ trình đăng trên Báo Đồng Nai vào 2 ngày 18 và 20-10 đã nhận được rất nhiều lượt tương tác từ người dùng mạng xã hội.
Bình luận dưới 2 bài viết nói trên được trích dẫn trên Facebook của Báo Đồng Nai, bạn đọc (BĐ) bày tỏ nhiều ý kiến chia sẻ với công việc thu gom, vận chuyển rác và đề xuất nhiều giải pháp để việc thu gom rác giảm ảnh hưởng đến môi trường, ách tắc giao thông.
* Chọn khung giờ hợp lý để vận chuyển rác
Nội dung 2 bài báo cho biết, trong dự thảo Quyết định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Sở TN-MT đề xuất: Phương tiện vận chuyển rác được phép hoạt động trên các tuyến đường từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau đối với khu vực TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh; từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau đối với khu vực các huyện. Việc này nhằm giảm ảnh hưởng đến môi trường, ách tắc giao thông. Tại buổi triển khai lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị chức năng, cơ bản các ý kiến đồng tình với dự thảo quyết định trên nhưng kiến nghị cần có lộ trình để chuẩn bị nhân công, phương tiện tránh xảy ra ùn ứ rác.
Ở góc độ người dân, tài khoản Facebook Đỗ Nhân Hậu bày tỏ sự nhất trí với việc nên chuyển giờ vận chuyển rác sang ban đêm thay vì ban ngày như hiện nay. Tài khoản này viết: “Đúng rồi vận chuyển vào ban ngày ô nhiễm môi trường không ai chịu nổi”.
Tương tự, tài khoản Facebook Hà Vi cho biết: “Mỗi sáng đi làm thường gặp xe rác chạy trên đường Đồng Khởi, thật sự mùi kinh khủng. Đề xuất thu gom rác đêm là hợp lý”.
Để hạn chế việc vận chuyển rác gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, tài khoản Facebook Lâu Lâu bình luận: “Xe rác nên tránh vận chuyển vào giờ đi làm, đi học; tránh giờ đi làm về hoặc tan học; không làm chảy nước thải xuống đường”.
Ngoài phản ảnh về ô nhiễm, cũng có nhiều ý kiến chia sẻ với những vất vả của những người làm công việc thu gom vận chuyển rác. “Cái công việc này nó rất cực rất khổ. Đã không có ai chịu làm rồi còn bắt người ta đi đêm về gió, trời mưa to lạnh lắm sao người ta làm, lúc mưa to mọi người đang ngủ còn người ta đi lấy rác liệu thấy có khổ cho người ta quá không” - tài khoản Facebook Lương Anh Tú bình luận. Đồng quan điểm, tài khoản Facebook Ngô Khánh viết: “Mình cũng thấy vậy, nghề đặc thù, vào ban đêm sao thấy được mảnh sành này kia; trong xóm đường thì nhỏ. Mình thấy chỉ cần tránh giờ cao điểm sáng và chiều là được”.
* Đẩy nhanh tiến độ phân loại rác tại nguồn
Chia sẻ ý kiến bên dưới bài viết: Chuyển xe rác hoạt động ban đêm: Cần có lộ trình, một số BĐ cho rằng, việc hạn chế xe tải lớn, xe chở rác hoạt động khung giờ cao điểm hay chỉ chạy vào ban đêm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trong nước, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM cũng đưa ra khung thời gian hoạt động vào ban đêm đối với xe chở rác. Việc này sẽ giảm ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, khi áp dụng trên địa bàn Đồng Nai cần có sự tính toán cho phù hợp, nhất là khi triển khai ở các huyện cần có khung giờ phù hợp với địa bàn nông thôn. Thực tế nếu các khâu từ bỏ rác đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác về mặt thời gian sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng rác thải bị ùn ứ gây ô nhiễm môi trường. “Khi xe rác chạy vào từ ban đêm thì khâu bỏ rác ra đường của người dân, phương tiện thu gom vận chuyển rác, điểm tập kết, điểm giao nhận rác thải… cũng phải tính toán phân bổ thời gian cho hợp lý. Vấn đề quan trọng cần làm là phải phân loại tại nguồn” - tài khoản Facebook Người Phước Tân bình luận.
Tăng trợ cấp cho nhân viên thu gom, vận chuyển rác cũng là nội dung được nhiều BĐ đề xuất. Thực tế hiện nay thu nhập của những người thu gom, vận chuyển rác còn thấp, để tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người làm nghề thu gom rác, có thu nhập tốt và đời sống ổn định để yên tâm gắn bó với nghề thì vấn đề thu nhập cần được cải thiện. Các đơn vị thu gom rác đề nghị cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh đơn giá thu gom rác cho phù hợp với tình hình biến động chi phí trên thị trường. Bởi đơn vị kinh doanh thu gom rác có “sống” được thì thu nhập của người lao động mới tăng. “Nếu tăng trợ cấp cho nhân viên thì tuyệt vời” - tài khoản Facebook Quốc Nguyên viết.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động phân loại, tái chế và xử lý chất thải để giảm thiểu lượng chất thải thu gom, vận chuyển đến các bãi rác, giúp cho công việc thu gom rác của công nhân vệ sinh trở nên dễ dàng và đỡ nặng nhọc hơn…