Đề xuất áp dụng khoán chi với nhiệm vụ khoa học công nghệ
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng chính sách áp dụng khoán chi với nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước rất hay và hợp lý.
Sáng 13-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp. Ảnh: QH
Miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra thiệt hại
Dự thảo nghị quyết gồm bốn chương và 20 điều, nội dung cơ bản quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Dự thảo cũng quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí Nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua quỹ...
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay Thường trực ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết. Theo ông Huy, việc thực hiện nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Qua nghiên cứu, rà soát, Thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường nhận thấy các chính sách của dự thảo nghị quyết chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành. Do vậy, việc QH ban hành nghị quyết thí điểm chính sách là có cơ sở pháp lý.
Thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường kiến nghị cần xem xét, quyết định việc ban hành nghị quyết tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của QH.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ cần báo cáo và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách cụ thể, như chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển; chính sách thí điểm thử nghiệm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp…
Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện, gửi QH hồ sơ dự thảo nghị quyết trong ngày 13-2.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57, với quan điểm sau khi ban hành nghị quyết là “phải làm được ngay”.
“Thử và sai” là rủi ro đặc thù trong nghiên cứu khoa học
Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho rằng cần sớm ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Mẫn đề nghị dự thảo nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57, với quan điểm sau khi ban hành nghị quyết là “phải làm được ngay”.
Những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, ít hướng dẫn cần kịp thời đưa ngay vào dự thảo nghị quyết để triển khai, đặc biệt là các chính sách mang tính vượt trội, có thể phát huy tác dụng ngay, khơi thông nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Góp ý cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng chính sách áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là chính sách rất hay và hợp lý.
Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị nghiên cứu, quy định rõ việc HĐQT, HĐTV của doanh nghiệp nhà nước được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của của doanh nghiệp. Theo ông Thanh, việc sử dụng quỹ thời gian qua chưa hiệu quả.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những vướng mắc trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó có các tổ chức KHCN.
Nếu có vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật khiến Chính phủ không thể trao quyền tự chủ ở mức độ cao nhất cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì mới đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết, ông Tùng nêu quan điểm.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và không phải trả lại kinh phí đã sử dụng...
Góp ý nội dung này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ cấp có thẩm quyền xác định những trường hợp trên, bởi việc “thử và sai” là rủi ro rất đặc thù trong hoạt động nghiên cứu khoa học.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-ap-dung-khoan-chi-voi-nhiem-vu-khoa-hoc-cong-nghe-post834216.html