Đề xuất áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt cho hai dự án tại Cần Thơ
Tại phiên họp sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa Thừa Thiên Huế được thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế Hải Phòng được áp dụng cơ chế đặc thù trong 5 năm Cần cơ chế đặc thù để địa phương thoát khỏi “tấm chăn” ngân sách
Ưu đãi đầu tư cho hai dự án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí logistic
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ. Phần lớn đó là các cơ chế đặc thù đã áp dụng với nhiều địa phương khác như: được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố (NSTP) được hưởng theo phân cấp; hàng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho NSTP không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSTP và các khoản thu NSTW hưởng 100%; HĐND thành phố được quyết định áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa được quy định, được điều chỉnh mức phí, lệ phí đã quyết định…; HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã bổ sung hai nội dung mới là cho phép Dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và dự án đầu tư khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đối tượng được áp dụng chế độ ưu tiên thủ tục hải quan và thời hạn nộp thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Phú Cường
Thẩm tra các nội dung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với nhiều đề xuất được nêu trong tờ trình. Tuy nhiên, với 2 nội dung mới bổ sung về ưu đãi đầu tư đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai… và đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do vậy, đề nghị Chính phủ đối chiếu, rà soát thận trọng.
Trong đó, về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá, việc cho phép áp dụng ưu đãi đầu tư đối với dự án này là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng vận tải thủy nội địa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL, giảm chi phí logistic.
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị báo cáo cụ thể về quy mô, tính chất, thời hạn hoạt động, kết quả dự kiến cụ thể của dự án; những đặc thù và tính hợp lý để đề xuất đưa dự án vào diện áp dụng thí điểm, làm rõ phạm vi có thể nhân rộng sau thí điểm. Đồng thời, ông Cường đề nghị cụ thể hóa toàn bộ chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, UBTVQH vào dự thảo nghị quyết để bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch. Việc áp dụng ưu đãi, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phải trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc của một số luật liên quan, không giao Chính phủ quy định như dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho biết.
Làm rõ hơn về tính hiệu quả, đánh giá tác động
Về tính hiệu quả, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần làm rõ tính kết nối của địa bàn thực hiện dự án là Cần Thơ với các địa bàn có sông Hậu đi qua để phát huy tối đa hiệu quả, bảo đảm tính hợp lý. Hiện nay, luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nối từ Định An (Trà Vinh) qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7 km. Việc thực hiện cắt khúc sẽ không giải quyết được căn bản mục tiêu khơi thông luồng lạch, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ tác động môi trường, có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực, tránh tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân như đã xảy ra đối với một số dự án trước đây.
Ngoài ra, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm đối với các cơ chế có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài. Còn ưu đãi đối với một dự án cụ thể là chính sách mang tính thời điểm, áp dụng theo đời dự án. Do vậy, việc đưa nội dung về dự án vào nghị quyết này cần được cân nhắc. Việc áp dụng ưu đãi đặc biệt cho các dự án xã hội hóa như trên có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách, tạo tiền lệ cho các trường hợp nạo vét luồng hàng hải tương tự khác.
Tương tự, về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương vì nội dung này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để đủ căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định thì cần bổ sung nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, Chính phủ cần làm rõ hơn tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cơ chế ưu đãi áp dụng đối với khu liên kết cũng chưa được quy định cụ thể. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết là chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành là chưa ăn khớp, khó thực hiện. Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật.
Hơn nữa ,theo cơ quan thẩm tra, việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như trong tờ trình là chưa hợp lý, vì nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền. Thủ tướng sẽ không thể quyết định các nội dung trái luật.
Có ý kiến cho rằng, việc cho phép các dự án đầu tư tại khu liên kết được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Điều 20 Luật Đầu tư cần được cân nhắc vì đó là mức ưu đãi đặc biệt lớn để áp dụng cho các dự án đặc biệt lớn (trên 3.000 tỷ đồng…). Nếu các dự án trong khu liên kết không đáp ứng các tiêu chí theo Điều 20 Luật Đầu tư mà vẫn hưởng ưu đãi đặc biệt thì có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách và thu hút đầu tư tại các địa phương khác.