Đề xuất lộ trình tăng dần khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trên nghị trường.
Đánh giá toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế
Ngày 9/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi).
Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là "Mở rộng cơ sở tính thuế", trong đó có quy định: "Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt" với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo, đặc biệt là phần thuyết minh đề xuất, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này.
Theo đó, việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về "ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì", chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. Đồng thời, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế.
Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.
Đại biểu Hòa cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 8 và một số hội thảo, tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá toàn diện bởi lẽ theo đánh giá của ngành đồ uống thì việc áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì.
“Nếu nói nước giải khát có đường gây béo phì thì chưa chắc, vì gây béo phì ở trẻ hiện nay có nhiều loại sản phẩm khác. Ví dụ, hiện nay trẻ mê nhất là trà sữa và những quán ăn bên ngoài có nhiều thực phẩm ngọt bán tràn lan”, vị đại biểu nhấn mạnh và nói thêm: "Việc này không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì".
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hài hòa, công bằng, thời điểm nào thì áp thuế, thuế suất bao nhiêu là hợp lý. Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế thu nhập đặc biệt.
"Cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là cả mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay", Đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Còn đối với Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lại lo ngại bối cảnh hiện nay, chúng ta tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng nội địa, đang giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức có thể ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.
Đồng quan điểm, Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường có thể sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân vì ngành sản xuất nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như mía, dừa…
Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng nêu bất cập khi nhiều sản phẩm khác có lượng đường cao hơn nước ngọt nhưng lại không bị đưa vào diện đánh thuế, như bánh kẹo và nhiều mặt hàng khác.

Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn với các đối tượng đánh thuế TTĐB. Ảnh: Hà Nội mới.
Đề xuất lộ trình tăng dần khi đánh thuế TTĐB nước giải khát có đường
Nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế.
Trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố… những nước này uống khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.
“Chính sách này có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất thủ công, không chính thức, và những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm”, bà Dung nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Dung kiến nghị trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, khó khăn trong sản xuất kinh doanh…, việc đưa vào áp dụng chính sách mới, điều chỉnh tăng thuế suất nếu áp dụng quá sớm có thể khiến gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.
Bà Dung đề nghị lùi thời hạn đánh thuế nước giải khát có đường từ năm 2028 với lộ trình tăng dần, ví dụ tăng 3-5-7% để doanh nghiệp từng bước thích nghi.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị xây dựng lộ trình áp thuế theo hướng: Có thể lùi thời điểm áp thuế với mức khởi điểm thấp như 5-8% trong năm đầu, rồi tăng lên 10% vào các năm tiếp theo, để giúp doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị đánh giá kỹ tác động và chưa nên đánh thuế với nước giải khát có đường vào thời điểm này.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.
Vì vậy UBTVQH xin giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB. Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đề xuất lộ trình thực hiện từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.